Hệ thống ngân hàng Việt Nam gặp khó

Ngày 10/5, VOA Tiếng Việt loan tin “Các ngân hàng Việt Nam đối mặt với chi phí tăng sau khi lượng tiền gửi giảm mạnh”.

Theo đó, các ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí cao hơn, khi họ tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để thu hút khách hàng, và cố gắng đảo ngược tình trạng tiền gửi hàng tháng sụt giảm trên toàn quốc, lần đầu tiên trong hơn 2 năm.

Theo VOA, đánh giá của giới chuyên gia về vấn đề này, có thể được hiểu nôm na là: Do tình trạng sụt giảm tiền gửi tiết kiệm của người dân, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách. Do đó, chi phí đầu vào của ngân hàng sẽ tăng, buộc họ phải tăng lãi suất cho vay đối với người dân và doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người đi vay sẽ dè dặt hơn, vay ít hơn, nên tăng trưởng tín dụng sẽ không đạt chỉ tiêu của Chính phủ, và nền kinh tế tiếp tục ỳ ạch, không thoát được trạng thái suy thoái hiện nay.

VOA dẫn tin từ Thông tấn xã Việt Nam và truyền thông nhà nước, hôm 9/5 cho hay, các ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động trung bình lên tới 0,3 điểm phần trăm, trong tuần đầu tiên của tháng 5.

Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, gần đây, hơn 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động.

VOA dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vào ngày 1/5, theo đó, tiền gửi của các doanh nghiệp tại ngân hàng, tính đến cuối tháng 1, giảm khoảng 2,4% so với cuối năm ngoái, xuống còn 6.670 triệu tỷ đồng (tương đương 262,29 tỷ USD). Đây là mức giảm hàng tháng đầu tiên trong hơn 2 năm qua.

Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân giảm 0,5%, chỉ ở mức 6.500 triệu tỷ đồng.

Điều này, phải chăng là hệ quả của việc mất lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính ngân hàng, từ sau sự cố SCB? Và đây cũng là hậu quả của tình trạng nền kinh tế bị nhóm lợi ích ngân hàng thao túng suốt một thời gian dài.

VOA cho biết, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% trong năm nay, nhưng các khoản cho vay của các ngân hàng, tính đến cuối tháng 3, chỉ tăng 1,34% kể từ tháng 12/2023. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam thường tăng tốc vào nửa cuối năm khi nhu cầu tăng cao.

Trong năm qua, vẫn theo VOA, người gửi tiền tiết kiệm đã chứng kiến nhiều đợt cắt giảm lãi suất, khi các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro cao hơn và nợ xấu gia tăng, do bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

Nhưng, VOA nhận xét, bức tranh đó đang thay đổi.

Hôm 9/5, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã tăng lãi suất đối với tất cả các kỳ hạn tiền gửi, thêm từ 0,1 đến 0,4 điểm phần trăm. Động thái này đã nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn lên thành 4,55% – 4,95% – VOA dẫn lời một nhân viên Ngân hàng TCB cho biết,

VOA cũng dẫn lời ông Cấn Văn Lực, cố vấn Chính phủ và kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho biết, các ngân hàng đang tìm cách củng cố tiền gửi, trước dự báo nhu cầu vay vốn tăng thường xuyên trong thời gian còn lại của năm.

VOA tiếp tục dẫn lời ông Willie Tanoto – Giám đốc cấp cao của công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho biết, việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng địa phương “phản ánh các điều kiện tiền tệ thắt chặt, hơn là sự gia tăng căng thẳng hệ thống”.

“Áp lực tiền tệ và nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt thanh khoản, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong nước”, ông nói trong email gửi hãng tin quốc tế.

VOA dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, tiến gần đến mức trần lạm phát 4,5% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.

 

Thu Phương – thoibao.de