Vì sao giá vàng nhảy múa “điên loạn”, bất chấp các nỗ lực bình ổn của Thủ Chính?

Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngân hàng Nhà nước đã tỏ ra bất lực, trong việc bình ổn và kiểm soát giá vàng những ngày vừa qua.

VietNamNet ngày 10/5 đã giật title, “Giá vàng hôm nay 10/5/2024 tăng “điên loạn”, SJC lên đỉnh cao kỷ lục 92 triệu”. Đây là một hiện tượng hết sức bất thường, trước những nỗ lực “giải cứu” của nhà nước Việt Nam. Như vậy, chênh lệch giá vàng giữa giá trong nước và quốc tế, không những không giảm, mà còn tăng lên hơn 30 triệu đồng/lượng.

Đây là một vấn đề không hề đơn giản, mà Luật sư Trần Vũ Hải nhận xét rằng, “chênh lệch giá vàng 30 triệu/lượng, nếu bán 1 triệu lượng thì người ta thu về 30.000 tỷ đấy”.

VietNamNet cập nhật những diễn biến “nhảy múa” của giá vàng trong nước và quốc tế, theo đó, có thể dễ dàng thấy rằng, có những thời điểm, giá vàng quốc tế chỉ ở mức tương đương 73,6 triệu đồng/lượng, thì giá vàng Việt Nam đã thiết lập đỉnh trên 90 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, chốt phiên ngày 9/5, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 87,2 triệu đồng/lượng mua vào, và 89,5 triệu đồng/lượng bán ra. Qua ngày hôm sau, 10/5, giá vàng miếng SJC tăng gần 3 triệu đồng/lượng, liên tiếp lên đỉnh cao kỷ lục mới, là 92,4 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, cuối giờ chiều 9/5, trên thị trường quốc tế, giá vàng đảo chiều, tăng thẳng đứng, lên khoảng 2.350 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hang, giá vàng thế giới tương đương khoảng 73,6 triệu đồng/ lượng, đã bao gồm thuế phí, thấp hơn khoảng 16 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước cùng thời điểm.

Một loạt câu hỏi được dư luận đặt ra, đó là: Vì sao, giá vàng lại “điên loạn” như vậy? Các yếu tố bên ngoài tác động đến việc này là gì? Tại sao, Chính phủ đã cho đấu thầu để can thiệp thị trường, nhưng giá vàng miếng SJC trong nước lại vẫn tăng? …v …v

Giới chuyên gia phân tích: Nguyên nhân của hiện tượng này là vì chính quyền đã đưa ra giải pháp gấp rút để bình ổn thị trường vàng hiện nay. Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép nhập khẩu vàng, gần 20 năm trước, đã tạo điều kiện cho thị trường vàng vận động theo cơ chế thị trường, là cách làm đột phá của thời kỳ đổi mới.

Giải thích lý do vì sao, càng đấu thầu thì giá vàng SJC càng tăng, theo VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay:

“Qua 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, chỉ 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng. Từ kết quả đó, cho thấy rằng, nguồn cung vàng hạn chế, trong khi nhu cầu vẫn nhiều, đến vài chục nghìn lượng mỗi tháng.”

Bên cạnh đó, do dự báo giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm vẫn có khả năng tăng lên mức 2.500 – 2.600 USD/ounce, nên người dân vẫn dồn tiền để mua vàng tích trữ. Điều đó đã dẫn đến tình trạng, cung không đủ cầu, nên giá mỗi ngày một tăng cao.

Vẫn theo VietNamNet, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng:

“Mục tiêu mang đấu thầu vàng chỉ là một công cụ, còn nhiều công cụ khác nữa. Và kéo giá thì kéo đi đâu, kéo về sát giá thế giới, đang ở khoảng 70 – 71 triệu đồng/lượng, hay mục tiêu chỉ chênh với giá thế giới 5 triệu đồng/lượng? Mục tiêu phải rõ ràng!”

Bên cạnh đó, ông Ánh cho rằng, từ trước đến nay, nhà nước chỉ nói thiếu cung, nên giá vàng SJC tăng. Nhưng đến khi đấu thầu tăng cung, thì kết quả cho thấy, thị trường không cần nguồn cung này nữa. Liệu có vấn đề, vàng SJC lên chỉ là để tạo điều kiện tiêu thụ vàng nhẫn hay không?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, thuộc Bộ Tài chính, cho biết, đấu thầu vàng đều chỉ bán được 20%, “ế” đến 80%, nên lượng cung vào thị trường còn quá ít. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới tăng cao, vì cung – cầu mất cân đối.

Theo chuyên gia này, bất ổn của thị trường hiện nay là việc giá vàng trong nước cách xa so với giá thế giới. Điều này gây ra một số hệ lụy, như, buôn lậu vàng gia tăng, làm “chảy máu” ngoại tệ, thất thu thuế, môi trường kinh tế không lành mạnh… Từ những bất ổn này dẫn tới ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến nghi ngờ, phải chăng, có sự thao túng của “thương lái TrungQuốc”. Theo đó, “có thông tin bọn Trung Quốc gom vàng, để đẩy giá vàng tăng dựng đứng. Nếu đây là sự thật thì thương lái Tàu kiếm bộn tiền, và đẩy kinh tế Việt Nam vào sự hỗn loạn.”.

Xin nhắc lại, trong công điện của Thủ tướng và những văn bản gần đây của Chính phủ, đều yêu cầu phải bình ổn thị trường vàng, trong đó có giảm bớt sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thế nhưng, hiện nay, giá vàng SJC vẫn lên, chênh lệch thế giới còn lớn hơn trước, lên đến trên dưới 30 triệu đồng/lượng, là điều hết sức bất thường.

 

Trà My – Thoibao.de