Ngày 17/5, RFA Tiếng Việt bình luận “Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sư Minh Tuệ cho thấy “ai mới là bậc chân tu”’.
RFA nhắc đến 2 công văn trong cùng một ngày, của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, nói sư Thích Minh Tuệ “không phải tu sĩ Phật Giáo”, khẳng định, việc ông này bộ hành ở các tỉnh thành “gây dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Tuy nhiên, các văn bản này đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều.
RFA dẫn bình luận của nhạc sĩ Tuấn Khanh, nói:
“(Công văn của Giáo hội) như một cú nghiến răng, và tức giận không kiềm chế nổi, của những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi họ không có một cái quyền gì để có thể cấm cản ông Thích Minh Tuệ đi tu, và cũng không có một cái quyền gì để xác định người này là tu hay là không tu.”
“Cho nên, ngay cả những ngôn ngữ hàm hồ đó cho thấy, họ đang muốn độc quyền một cái tôn giáo, và thậm chí, họ độc quyền luôn giá trị Đức Thích Ca ở Việt Nam.”
RFA dẫn lời một nữ giảng viên đại học ở Hà Nội, cho rằng, bất cứ ai cũng có quyền tự do tu tập theo khả năng và nhận thức của mình. Bà nói rằng, thầy Minh Tuệ không có làm gì to tát cả mà chỉ là buông bỏ tất cả mọi thứ, kể cả danh vọng lẫn vật chất.
“Văn bản đấy đã được đưa ra trong cái tình trạng nóng vội, và có thể, người đưa ra văn bản không suy xét hết được, không lường hết được phản ứng của xã hội. Tôi nghĩ, đây cũng là một cái kết, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, thì đây là quả báo, còn nếu nói bình thường ra, thì mình cũng có thể nhìn thấy bản chất của Giáo hội thông qua việc này… và người dân càng nhìn được rõ hơn, đâu là bậc chân tu, đâu là lợi dụng Phật giáo để kiếm lợi.”
RFA cho biết, trong Fanpage Phật giáo Việt Nam của Giáo hội, cũng đăng tải bài viết về sư Thích Minh Tuệ, cùng đường dẫn đến thông tin về hiện tượng “Sư Thích Minh Tuệ”, trên website của tổ chức này.
Có rất nhiều ý kiến chỉ trích công văn này, điển hình là bình luận của Facebooker Hoàng Hùng:
“Theo Phật cũng phải có thẻ hay sao? Phật Tổ ngày xưa từ bỏ ngai vàng, đi bộ, nhận khất thực, để hiểu nỗi khổ của người dân, rồi truyền đạo.”
“Ngày nay một số người tự nhận là theo Phật, mang họ Thích, nhưng đi xe đẹp, ở nhà gắn máy lạnh, nhận cúng dường và bái lạy của dân chúng.”
“Ai mới là con nhà Phật, ai là mạo danh con nhà Phật, thì chắc mọi người cũng đoán được.”
RFA cũng cho biết, công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ thì chỉ đạo: “không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật”.
RFA dẫn lời tu sĩ trẻ tên Minh Hải, cho rằng, công văn của Giáo hội chỉ là văn bản nội bộ, và chỉ có hiệu lực trong Giáo hội, không ảnh hưởng gì đến sư Minh Tuệ:
“Vì mỗi người tu một đường riêng, Giáo hội Phật giáo họ tu theo Pháp môn riêng của họ, còn ông Minh Tuệ tu tự do theo các môn riêng của ông ấy – theo pháp môn của Phật giáo cổ truyền. Hai đường lối này khác nhau hoàn toàn, không liên quan hay ảnh hưởng gì tới nhau cả.”
RFA tiếp tục dẫn Facebook của nhà báo kỳ cựu Chu Vĩnh Hải, cho rằng:
“Phật giáo có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn, trong đó, hạnh đầu đà (tu khổ hạnh) chỉ là một. Hàng trăm ngàn người dân mới chỉ có một tu sĩ, mới chỉ có một đầu đà, vì vậy, họ không làm ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng, nếu xét về kinh tế và phát triển.”
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mọi người nên giữ khoảng cách với sư Thích Minh Tuệ, “nên đứng lặng im bên đường để chiêm bái thầy! Cá nhân đời thường trong thời hiện đại cần quyền riêng tư, thì thầy cũng cần cô đơn như tuệ niệm của pháp môn mà thầy đã lựa chọn.”
Minh Vũ – thoibao.de