Nếu Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, ông sẽ biến Việt Nam thành nhà nước cảnh sát

Ngày 23/5, RFA Tiếng Việt có bài “Truyền thông quốc tế: Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có tham vọng làm Tổng Bí thư”.

Theo đó, một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, coi đây là một bước đi hướng tới chức Tổng Bí thư – vị trí cao nhất trong chế độ độc đảng ở Việt Nam, trong Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2026.

RFA dẫn nhận định của một nhà quan sát ở Hà Nội, cho rằng: “Không loại trừ là ông ta có tham vọng tiến tới ghế Tổng Bí thư. Tham vọng quyền lực sẽ không có giới hạn.”

RFA cũng dẫn lời một giảng viên đại học kỳ cựu ở Hà Nội, cho rằng, ông Tô Lâm chắc chắn có tham vọng trở thành người đứng đầu Đảng, nhưng ông cũng có nhiều đối thủ, và không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn trong Bộ Công an. Do vậy, con đường dẫn tới cương vị đứng đầu Đảng của Tô Lâm sẽ có nhiều chông gai.

Tuy vậy, RFA cho biết, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà quan sát chính trị đang định cư ở Canada, lại có một nhận định khác.

Ông Tuấn cho rằng, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang bị tô vẽ như một người có tham vọng quyền lực, qua các cuộc thanh trừng nội bộ, bởi Đảng cần một “con dê tế thần” để đoàn kết nội bộ, sau những xáo trộn do công cuộc “đốt lò” gây ra.

Ông Tuấn nói:

“Tôi nghĩ rằng, người chủ mưu của những chuyện này là Nguyễn Phú Trọng, đã nghĩ đến ông Tô Lâm như một “con dê tế thần”, và vì vậy, đã có sự chuẩn bị dư luận lâu nay rằng, ông Tô Lâm nuôi tham vọng quyền lực cá nhân, và vì vậy, ông Tô Lâm là người đứng sau những cuộc thanh trừng chính trị.”

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, có thể, người bị xử lý tiếp theo lại là ông Tô Lâm, và ông Trọng “sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 4 của mình, không phải như một kẻ tham quyền cố vị, mà như là một người cứu Đảng khỏi tham vọng của ông Tô Lâm, cứu Đảng khỏi một kẻ vì cuồng vọng quyền lực của mình mà đã thanh trừng nội bộ, đã xáo trộn Đảng trong suốt thời gian vừa qua”.

RFA đề cập đến những “điểm tối” của Tô Lâm, bị truyền thông quốc tế nhắc đến khi ông nhận chức Chủ tịch nước, như:

Nhiều tổ chức nhân quyền lên án việc bộ máy an ninh đã thực hiện nhiều chiến dịch đàn áp nhân quyền, trấn áp giới bất đồng chính kiến và tàn phá xã hội dân sự.

Báo Mỹ nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh – cựu quan chức dầu khí trốn sang Đức xin tị nạn chính trị, nhưng bị các mật vụ bắt cóc trở về Việt Nam xử lý.

Ngoài ra, 2 nhà hoạt động là ông Trương Duy Nhất và ông Đường Văn Thái cũng bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Việt Nam, dưới thời của ông Tô Lâm.

Một hãng tin quốc tế nổi tiếng nhắc đến Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, với lời cảnh báo về nhiều vi phạm nghiêm trọng của lực lượng an ninh dưới quyền của Tô Lâm.

RFA dẫn lời ông Ben Swanton, đồng Giám đốc của Dự án 88, nói với hãng tin quốc tế rằng:

“Với việc ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, Việt Nam trở thành nhà nước công an trị.”

Nhiều hãng tin cũng nhắc lại việc việc bỏ tù nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, khi người này nhại lại động tác rắc muối của chủ nhà hàng Salt Bae, ngầm ám chỉ việc ăn bò dát vàng của Tô Lâm.

RFA dẫn lời nghiên cứu viên cao cấp Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói trên một tờ báo Mỹ rằng:

“Nền tảng là Bộ trưởng Công an mang lại cho ông ấy rất nhiều quyền lực, nhưng cũng có thể là một trở ngại đối với ông ấy, vì ông ấy bị nhiều người sợ hãi.”

“Nếu ông ấy trở thành Tổng Bí thư, mọi người đã lo ngại rằng, ông ấy có thể lợi dụng bộ máy an ninh để biến Việt Nam thành một nhà nước cảnh sát.”

 

Thu Phương – thoibao.de