Chiều 25/5, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội, khi nói về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, ông Phạm Minh Chính đã nói rằng: “Thay vì phải làm rất nhiều việc, chỉ cần một việc là thay người”.
Dùng người là công việc của các nhà quản lý vĩ mô, như ông Phạm Minh Chính. Khi lên làm Thủ tướng, chính ông Chính đã đệ trình lên Quốc hội phê duyệt danh sách các bộ trưởng. Đấy là khâu chọn người. Việc thay người chỉ là cách sửa sai, người lãnh đạo giỏi thì cần chọn và sắp xếp nhân sự cho từng vị trí thích hợp.
Nhiệm kỳ Đại hội 13 chỉ mới đi qua 3 năm, mà có bao nhiêu bộ trưởng, phó thủ tướng đã rụng, nhiều người đã xộ khám. Vậy thì, việc chọn người của ông Thủ tướng đã chuẩn xác hay chưa? Đấy là chưa kể đến những người chưa bị kỷ luật, nhưng đã gây ra những hậu quả không nhỏ cho nền kinh tế đất nước, ví dụ, trường hợp Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Những vấn đề thiếu điện, thiếu xăng vv… trong những năm qua, đã khiến nền kinh tế đất nước nhiều phen khốn đốn, nhưng Bộ trưởng Diên không đưa ra được giải pháp nào để giải quyết triệt để vấn đề. Với những người yếu kém như thế, ông Chính có muốn thay hay không?
Dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, dù đã được triển khai đây đó, nhưng hiện nay, người dân vẫn nói rằng, muốn mua nhà ở xã hội thì lên Tivi mà mua. Nghĩa là, những căn nhà đã được xây, chỉ mượn danh nghĩa xây cho người nghèo, để rồi tuồn vào tay những kẻ khác, khiến dân nghèo vẫn không thể với tới được giấc mộng sở hữu nhà. Sự yếu kém của ông Bộ trưởng Nghị cũng đã hiển hiện, sao không thấy Thủ tướng thay người?
Ngoài ra, gói hỗ trợ 120 ngàn tỷ, cho người có thu nhập thấp vay để mua nhà, được triển khai từ năm 2022 đến nay, sao vẫn bị nghẽn? Tại sao tiền không thể tới được tay người nghèo? Đấy không phải là sự yếu kém của Ngân hàng Nhà nước hay sao? Tại sao không thay bà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng?
Thực tế, trong 3 năm vừa qua, năm nào vốn đầu tư công ở các bộ, các tỉnh thành, cũng đều bị nghẽn, khiến cho nhiều doanh nghiệp đói vốn. Đấy không phải là sự yếu kém của Thủ tướng Chính phủ sao? Nói cho cùng, sự yếu kém của các bộ trưởng và những người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu Chính phủ.
Nếu ở các nước dân chủ, chỉ cần để xảy ra một trong những yếu kém kể trên, thì Thủ tướng có thể đã phải từ chức. Còn ở Việt Nam, việc để hàng loạt yếu kém xảy ra ở các bộ ban ngành, ông Thủ tướng vẫn ngồi trơ trơ, còn phát biểu một cách bàng quang, như kiểu việc không liên quan đến ông.
Dường như, khi phát biểu câu “Thay vì phải làm rất nhiều việc, chỉ cần một việc là thay người, ông Chính nghĩ rằng, chắc “trừ ông ra”.
Chẳng lẽ, ông Chính tự tin rằng, ông quản lý nền kinh tế của đất nước này trơn tru lắm sao? Lẽ ra, Đảng cần thay Thủ tướng, vì ông không được việc.
Tuy nhiên, hiện nay, Đảng như “nồi cám lợn”. Trong Đảng chia ra rất nhiều phe phái, đánh nhau tranh quyền, nên tự bản thân Đảng, không bao giờ có thể chọn được người có đủ năng lực, cho các vị trí. Bên thắng chiếm được ghế hoặc giữ được ghế. Bên thua thì bị thay thế. Nhưng kẻ lên thay, chưa chắc đã quản lý tốt hơn kẻ bị thay thế. Bởi Đảng chọn người không theo tiêu chuẩn đánh giá về năng lực.
Qua 3 năm làm Thủ tướng, đủ để đánh giá năng lực của ông Chính. Chỉ cần kết luận bằng một từ đơn giản, đó là “yếu kém” – là đủ để mô tả được năng lực của ông Thủ tướng. Đã năng lực yếu kém, mà tâm trí lại còn dồn đến cho những trò đấu đá, triệt hạ lẫn nhau, thì ông Thủ tướng chỉ còn cách thả nổi nền kinh tế, muốn trôi đâu thì trôi.
Một Đảng cầm quyền mà gồm toàn những kẻ tham lam, bất tài, nhưng thừa thủ đoạn, thì chẳng thể tìm đâu ra người có năng lực. Nếu có thay đổi nhân sự, thì cũng chỉ là thay người yếu kém này bằng người yếu kém khác, thay kẻ tham nhũng này bằng kẻ tham nhũng khác.
Ý Nhi – Thoibo.de