Khủng hoảng điện do lỗi Thủ tướng?

Ngày 28/5, BBC Tiếng Việt bình luận “Việt Nam tiếp tục khủng hoảng điện do Thủ tướng “vội vàng”?”

BBC cho hay, theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế, sai lầm trong quy hoạch và chiến dịch “đốt lò”, là 3 trong số các nguyên nhân gây khó khăn cho ngành điện Việt Nam. Trong đó có đợt thiếu điện kéo dài vào mùa nắng năm 2023.

BBC đặt vấn đề: Khủng hoảng thiếu điện có lặp lại?

BBC dẫn lời ông Phạm Minh Chính nói với các nhà đầu tư nước ngoài, được truyền thông Việt Nam đăng tải vào tháng 3/2024, rằng:

“Chúng tôi cam kết không để thiếu điện, tổng nguồn không thiếu, nhưng do điều hành không tốt nên thiếu. Các bạn yên tâm sẽ đủ điện, theo hướng tăng trưởng xanh.”

Tuy nhiên, theo BBC, 2 quan chức nước ngoài tham dự buổi gặp mặt với ông Chính, nhận định với một hãng thông tấn quốc tế rằng, lời ông Chính chỉ mang tính trấn an, chứ không chỉ ra các biện pháp rõ ràng để đạt được cam kết đó.

BBC dẫn một bài viết trên Nikkei Asia hôm 25/5, của tác giả Toru Takahashi, chỉ ra, việc liên tục trì hoãn xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, thời kỳ 2021 – 2030, tức Quy hoạch điện 8, có thể là nguyên nhân sâu xa cho sự thiếu hụt điện của Việt Nam.

Nikkei cho rằng, sự chậm trễ này có nguồn gốc từ một “cam kết vội vàng”, mà ông Chính đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, năm 2021, tại thành phố Glasgow, Scotland.

Tại Hội nghị này, ông Chính tuyên bố, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Có vẻ như, ông Chính đưa ra cam kết, như một màn gây chú ý về mặt chính trị, mà không tham vấn đầy đủ với EVN hoặc các bộ ngành liên quan” – Nikkei cho biết.

Sau cam kết của ông Chính, Bộ Công thương và các cơ quan chính phủ khác đã ráo riết sửa đổi toàn bộ kế hoạch. Nhưng đây là một việc không hề dễ dàng, khiến Quy hoạch điện 8 đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần, dẫn tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng bị đình trệ, trong khi, nhu cầu điện năng tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm.

Khoảng trống này chính là nguyên nhân tiềm ẩn, dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam, vào năm ngoái.

Bài viết trên Nikkei Asia cũng nêu ra 3 lý do khả dĩ, vì sao ông Chính lại đề ra mục tiêu cao như vậy.

Thứ nhất, Việt Nam mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, như một điểm đến thân thiện với môi trường.

Thứ hai, Việt Nam tận dụng các khoản đầu tư giảm phát thải carbon, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thứ ba, Quy hoạch điện 8 chỉ diễn ra vài tháng, sau khi ông Chính nhậm chức Thủ tướng. Nikkei cho rằng, ông mong muốn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình trên phương diện kinh tế, ở cả trong nước lẫn quốc tế.

Nikkei chỉ ra, đó là lỗi “ngụy biện tổng thể” – khi các quyết định cá nhân được đưa ra lại không phù hợp với tổng thể.

Sai lầm này đã tạo ra khoảng trống trong hoạch định chính sách phát triển điện của Việt Nam, và cuối cùng, đã dẫn đến các đợt cắt điện luân phiên vào năm 2023.

Ngoài ra, vẫn theo BBC, công cuộc “đốt lò” cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành điện lực Việt Nam.

Hàng loạt quan chức cấp cao của Bộ Công thương và EVN đã bị khởi tố, bắt tạm giam, trong khoảng thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024, để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cuối cùng, BBC cho rằng, liên tục mất điện khiến nhà đầu tư nước ngoài ngán ngẩm, vì phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi, Việt Nam được xem là quốc gia có mức độ phụ thuộc vào FDI khá cao.

BBC cũng chỉ ra một nghịch lý là, dù đặt mục tiêu phát triển năng lượng xanh, nhưng thiếu điện khiến Việt Nam lại tăng cường sản xuất điện than.

Việt Nam đã gia tăng gần gấp đôi lượng than nhập khẩu trong năm nay, so với cùng kỳ năm 2023, vì mục tiêu không để thiếu điện vào mùa khô.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ 10 thế giới. Việc sản lượng nhập khẩu than đá gia tăng như vậy, được cho sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, trong việc cắt giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch và nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.

 

Xuân Hưng – thoibao.de