Thế “bám lưng cọp” và sự bế tắc của tỷ phú Vượng!

Trả lời báo chí mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, ông quyết tâm đi đến cùng với giấc mơ xe điện. Ông chủ Tập đoàn VinGroup cho rằng, thị trường xe điện sẽ tiếp tục phát triển, và vượt qua thị trường ô tô động cơ đốt trong. Đồng thời cho biết, ông sẽ không từ bỏ VinFast.

Sự kiên định của ông Vượng đã bị dội một gáo nước lạnh, khi mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường AAA công bố một nghiên cứu, chỉ ra rằng, chỉ có 18% khách hàng được khảo sát cho biết, “có khả năng”, hoặc “rất có khả năng”, sẽ mua một chiếc ô tô điện mới, hoặc ô tô điện đã qua sử dụng, trong những năm tới. Đáng chú ý, kết quả này còn thấp hơn 5%, so với năm 2023, và giảm 7% so với năm 2022.

Trong khi, tỷ lệ khách hàng “không có ý định” mua ô tô điện trong tương lai, đang có xu hướng tăng nhanh. Nếu vào năm 2022, nhóm này chiếm tỷ lệ 51%, thì sang năm 2023 đã tăng lên mức 53%, và tiếp tục tăng thêm 10% trong năm 2024 (chiếm 63%). Điều này cho thấy, khách hàng đang quay lưng với ô tô điện.

Như vậy, dự đoán của ông Vượng về một tương lai xe điện thay thế hoàn toàn xe xăng, chỉ là cảm tính, hoặc chí ít, nó đã lạc hậu so với thời cuộc. Trước đây, khi mới xuất hiện ngành xe điện, thế giới cũng tiên đoán, xe điện sẽ soán ngôi xe xăng, nhưng giờ đây, xu hướng đang đảo chiều. Trong khi đó, suy nghĩ của ông chủ VinFast vẫn không thay đổi.

Thực tế, nhiều hãng xe điện của Mỹ đang chết lâm sàng. Tesla chỉ là trường hợp cá biệt, vì Tesla là nhà tiên phong, nên họ đã đứng vững trên thị trường Mỹ và thế giới, trước khi xu hướng của người tiêu dùng đảo chiều.

Mặt khác, các hãng xe xăng trên thế giới cũng nhảy vào lĩnh vực xe điện, khiến cho thị phần dành cho xe điện, vốn đã nhỏ, nay lại thêm chật hẹp. Thực tế, các hãng xe xăng tham gia vào thị phần xe điện, chủ yếu là để xí phần. Doanh thu chính của họ vẫn dựa vào xe xăng, chứ không trông cậy vào xe điện.

Lâu nay, xe điện được quảng cáo là thân thiện với môi trường, bởi nó không thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, ít ai đặt câu hỏi rằng, pin dùng trong xe điện, sau khi hết hạn sử dụng thì sẽ được xử lý ra sao. Bởi rác thải pin là một nguồn ô nhiễm nguy hiểm cho môi trường.

Vậy, xe điện có thực sự thân thiện với môi trường như những gì truyền thông đồn thổi hay không?

Có nhận xét cho rằng, sở dĩ ông Vượng phải bám vào VinFast, vì ông không thể bán doanh nghiệp này cho bất kỳ đối tác nào. VinFast trên đất Mỹ xem như đã “chết lâm sàng”, nhưng lại không thể “chôn”. Thị trường ô tô Mỹ đã từ chối xe VinFast, khi mà có quá nhiều tờ báo đánh giá tiêu cực về thương hiệu này, và kéo theo thị chứng khoán Nasdaq cũng không dung nạp loại cổ phiếu VFS của VinFast. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn, khi vụ tai nạn xe VinFast đã dẫn đến 4 người trong một gia đình tử vong tại Mỹ.

Khi VinFast bế tắc trên thị trường Mỹ, ông Vượng đã chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn, như Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự xoay chiều này dường như đã quá muộn để cứu vãn tình thế.

Nhưng báo chí quốc doanh vẫn thể hiện như thể VinFast đang phát triển, và mở rộng thị trường theo kế hoạch, chứ không phải vì bế tắc mà buộc chuyển hướng.

Kết quả nghiên cứu của Công ty AAA cho thấy, xu thế đảo chiều thị hiếu người tiêu dùng diễn ra trên toàn cầu, chứ không riêng một nơi nào. Như vậy, việc VinFast đầu tư hàng tỷ đô la sang Ấn Độ, hay Indonesia, lại là một canh bạc mạo hiểm tiếp theo, mà khả năng là bại nhiều hơn thắng.

Hồi đầu tháng 4, VinFast tham gia triển lãm Bangkok Motor Show, nhưng không nhận được đơn hàng nào. Trong khi đó, các hãng khác nhận được tổng cộng hơn 53.000 đơn hàng. Đây chính là thái độ của người tiêu dùng Thái Lan nói riêng, và Đông Nam Á nói chung, với thương hiệu ô tô điện đến từ Việt Nam.

Nếu cứ nhắm mắt đốt tiền, có thể, ông Vượng sẽ nhận một kết quả thảm bại.

 

Trần Chương – Thoibao.de