Ngày 25/6, BBC Tiếng Việt cho hay “Người Việt Nam bị “lừa” bởi hàng loạt sản phẩm dán nhãn Hàn Quốc”.
BBC dẫn tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, các công ty nước ngoài đang sử dụng nhãn mác Hàn Quốc, để thu hút người tiêu dùng Việt Nam.
Theo một bài viết của Chosun vào ngày 24/6, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có nhãn mác Hàn Quốc, nhưng do các công ty từ các quốc gia khác sản xuất, có thể dễ dàng tìm thấy tại các siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa ở thủ đô Hà Nội.
BBC nêu dẫn chứng, có thể kể đến thương hiệu Tae Yang Soju – một sản phẩm rượu soju, đựng trong chai thủy tinh màu xanh lá, với tên bằng tiếng Hàn được viết trên nền nhãn trắng.
Thiết kế này khiến Tae Yang Soju trông giống như những sản phẩm rượu soju phổ biến đến từ Hàn Quốc, theo Chosun. Thậm chí, Tae Yang Soju còn được bày bán chung gian hàng với những thương hiệu rượu soju Hàn Quốc khác, như Chamisul, Damso Soju, Andong Soju và HIM Soju.
Nhưng trên thực tế, Tae Yang Soju là sản phẩm của nhà máy chưng cất Tawandang 1999, đến từ Thái Lan.
Bên cạnh rượu soju, Chosun cho biết, nhiều dòng sản phẩm khác như bánh phồng tôm, bánh quy, thạch rau câu hay rong biển trong các siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam mang nhãn hiệu Hàn Quốc, nhưng thực chất đến từ các nhà sản xuất ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Chosun cũng phát hiện các công ty bánh kẹo Trung Quốc dùng tên tiếng Hàn cho các sản phẩm, như kẹo dẻo và bánh mì ở các trạm dừng chân trên cao tốc tại Việt Nam.
BBC cho biết, việc đặt tên sản phẩm bằng tiếng Hàn để “đánh lừa” người tiêu dùng Việt Nam, đã xảy ra tràn lan trên thị trường trong những năm gần đây.
Vào năm 2021, báo chí Việt Nam phản ánh thực trạng, những trái lê và nho mẫu đơn, có xuất xứ từ Trung Quốc, được bày bán trong nước với nhãn mác Hàn Quốc.
Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc, vào đầu năm 2021, cũng lên tiếng về vấn đề này.
BBC dẫn Cơ quan Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), vào cuối năm 2022, cho biết, các công ty mỹ phẩm nước này đang phải khổ sở với tình trạng sao chép, “nhái” nhãn mác, thiết kế của họ tại các thị trường Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, đang trở nên nghiêm trọng.
KIPO cho biết, tại Việt Nam trong năm 2021, có 660 trường hợp, xếp thứ 3 về số lượng.
BBC cũng dẫn tờ Korea Times, cuối năm 2022 cho biết, sản phẩm “Kill Cover” của thương hiệu mỹ phẩm CLIO bị sao chép. Một công ty có tên PONY CLIO đã sản xuất mặt hàng tương tự và đặt tên “Kiss Cover”, rồi đem bán ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Chia sẻ với Chosun, Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản và Lương thực Hàn Quốc (aT) cho rằng, việc sử dụng ngoại ngữ trong thiết kế bao bì sản phẩm không phải là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, aT khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác, nhấn mạnh rằng, nhiều sản phẩm ở Việt Nam được thiết kế, đóng gói với các biểu tượng Hàn Quốc, để đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ nghĩ rằng, chúng được sản xuất tại Hàn Quốc.
Theo BBC, các nghiên cứu thị trường chỉ ra, xu hướng ưa chuộng hàng ngoại ở Việt Nam không chỉ giới hạn ở các mặt hàng giá trị cao, như đồ điện tử, thời trang, mà còn lan rộng sang các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, như bánh kẹo, thực phẩm chức năng, đồ uống, sữa, hàng gia dụng, sản phẩm mẹ và bé.
Một số chuyên gia cho rằng, sản phẩm Hàn Quốc được ưa chuộng tại Việt Nam có phần nhờ vào làn sóng hâm mộ K-pop và K-drama.
Thực trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, mà cũng khiến các công ty Hàn Quốc chịu ảnh hưởng.
Vẫn theo BBC, trong bài viết vào cuối năm 2022, Korea Times cho biết, các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc ghi nhận, số đơn đặt hàng cho các sản phẩm phổ biến nhất của họ tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc, giảm dần qua từng năm, mà một trong những nguyên nhân chính đến từ việc “nhái” hình ảnh ngay ở các thị trường đó.
Ý Nhi – thoibao.de