Mua máy bay chở khách của Trung Quốc: Vì sao Vietnam Airlines cố đâm đầu vào chỗ chết?

Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin, Trung Quốc đang tích cực tiếp thị máy bay chở khách C919, do Tập đoàn COMAC sản xuất, ra thị trường quốc tế, với hy vọng sẽ cạnh tranh được với những gã khổng lồ như Boeing và Airbus.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn phải trải qua các bước để được chứng nhận quốc tế, điều đó khiến cho các hãng hàng không trên thế giới tỏ ra hết sức thận trọng.

Cổng thông tin tài chính – chứng khoán Vietstock (vietstock.vn) ngày 28/6, đưa tin: “Thiếu hụt tàu bay trầm trọng, Vietnam Airlines để mắt tới dòng máy bay C919 của Trung Quốc”.

Bản tin cho biết, tại cuộc họp thường niên diễn ra vào ngày 21/6, ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết, hãng này đang tìm các giải pháp, để khắc phục vấn đề thiếu hụt máy bay nghiêm trọng. Trong đó, có cả phương án sẽ xem xét dòng máy bay C919 của Trung Quốc, để thay thế.

Thông tin hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đang xem xét khả năng sẽ sử dụng máy bay chở khách do Trung Quốc sản xuất, đã khiến mạng xã hội của người Việt nổi sóng. Đa số các ý kiến bày tỏ sự lo ngại, và cho rằng, đó là một chủ trương hết sức sai lầm, bởi liên quan đến tài sản và tính mạng của hành khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, phần lớn không đảm bảo chất lượng, dùng một thời gian ngắn là hư hỏng. Bài học xe máy Trung Quốc – Wave Tàu, đã để lại một nỗi ám ảnh không thể quên đối với người tiêu dùng Việt Nam, vẫn còn đó. Đồ gia dụng “made in China”, khi đã bị hỏng, thì có thể bỏ đi, chứ máy bay Trung Quốc mà trục trặc, chắc chắn là bỏ mạng.

Báo Tin tức – phụ bản của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 12/2/2023, trong bản tin “Trung Quốc: Máy bay nội địa đầu tiên C919 gặp sự cố động cơ khi bay thử nghiệm”, đã dẫn tin từ Asia Times cho biết:

“Máy bay chở khách C919 do Trung Quốc tự phát triển, đã gặp sự cố trong một chuyến bay thử nghiệm, trước khi đi vào hoạt động thương mại, dự kiến vào cuối tháng 2/2023.

Đây là loại máy bay chở khách thân hẹp C919, được phát triển bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), có trụ sở tại Thượng Hải, nhằm mục đích cuối cùng là cạnh tranh với Airbus A320 của Pháp và Boeing 737 của Mỹ.”

Chuyến bay thử nghiệm của hãng Hàng không China Eastern Airlines với máy bay C919, đã cất cánh tại sân bay Quốc tế Hồng Kiều ở Thượng Hải, lúc 9:45 sáng ngày 1/2/2023, và dự định hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, vào khoảng giữa trưa cùng ngày.

Tuy nhiên, do một trong các động cơ của máy bay C919, trong khi hạ cánh, không mở được bộ đảo ngược lực đẩy, vốn được thiết kế để làm chậm máy bay, đã khiến hành trình của chuyến bay thử nghiệm dự kiến đến Hợp Phì, phải hủy bỏ, và máy bay quay trở lại Thượng Hải. Được biết, cuộc điều tra ban đầu của giới chức an toàn ngành hàng không Trung Quốc, đã đổ lỗi để lấp liếm, khi cho rằng, “sự cố là do một số vấn đề ở các bộ phận sản xuất có nguồn gốc nước ngoài”.

Theo giới chuyên gia, truyền thông nhà nước Trung Quốc từng ca ngợi, sự ra đời của máy bay C919 là một cột mốc quan trọng đối với ngành hàng không dân dụng Trung Quốc. Trung Quốc tự cho rằng, nước này có khả năng chế tạo, lắp ráp các máy bay chở khách với giá thấp hơn, để có thể cạnh tranh với các loại máy của Boeing và Airbus. Nhưng sự cố của máy bay C919 trong chuyến bay thử nghiệm, đã cho thấy, trình độ công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm.

Trên thực tế, Tập đoàn Trung Quốc Comac chỉ phát triển chủ yếu lớp vỏ của máy bay China 919, theo mẫu mã của Boeing 737 MAX của Mỹ, và Airbus A320neo của Pháp. Các chi tiết quan trọng nhất, như: động cơ phản lực, hệ thống điện tử hàng không, và nhiều bộ phận khác, vẫn là của phương Tây sản xuất và chế tạo.

China Eastern Airlines – hãng hàng không lớn thứ 2 ở Trung Quốc, và là hãng đầu tiên nhận loại máy bay chở khách C919 “made in China”, lập tức đã phải loại bỏ loại máy bay này, và thay thế bằng máy bay Airbus A320 của Pháp.

Công luận thấy rằng, Trung Quốc là ông trùm trong vấn đề đưa hối lộ cho các quan chức Việt Nam, trong các hợp đồng kinh tế. Tuyến Đường sắt trên cao Cát linh – Hà Đông là một ví dụ điển hình. Chuyên gia Kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng khẳng định với đài Á Châu Tự Do rằng, “họ sẵn sàng hối lộ từ 25 đến 30% bằng tiền mặt cho các đối tác”.

Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc và lãnh đạo Vietnam Airlines, cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính, có biết vấn nạn đó, khi có quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay không?

 

Trà My – Thoibao.de