Nếu không được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứu trong vụ Mobifone mua AVG, thì rất có thể, Tô Lâm giờ đây là đã là một ông tướng về hưu, hoặc thậm chí, có thể ngồi bóc lịch như nhiều uỷ viên Trung ương Đảng dính chàm khác. Vụ Mobifone mua AVG đã quật ngã Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son, cả 2 đều là uỷ viên Trung ương Đảng. Mà lúc đó, Tô Lâm cũng chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng.
Thoát khỏi đại họa Mobifone mua AVG, từ đó, Tô Lâm bước lên ghế Bộ trưởng Bộ Công an, và ung dung vào Bộ Chính trị. Đấy là cách mà ông Tổng mua lấy “lòng trung thành” của Tô Lâm. Ông Tổng rất cao tay khi cứu Tô Lâm “từ cõi chết”. Từ cổ chí kim, các bậc cao nhân dùng người thường hay tìm cách cứu người theo cách như thế.
Thực tế, từ nhiệm kỳ thứ 2, tức nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Trọng mới thực sự trở nên vô đối trên chính trường. Thời gian này gắn liền với lòng trung thành của Tô Lâm. Thậm chí, việc dẫn quân sang trời Âu bắt cóc, rõ ràng là phạm pháp, nhưng Tô Lâm vẫn không ngại, vẫn hoàn thành nhiệm vụ chấp nhận mọi chỉ trích từ dư luận trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2016 – 2023, sức mạnh của Tổng Trọng vẫn dựa vào Bộ Công an, cho đến khi Tô Lâm “tạo phản” vào đầu năm 2024. Như vậy, ông Trọng đã lợi dụng được ông Tô Lâm trong vòng 7 năm. Có Tô Lâm, ông an tâm mà ngồi ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3.
Lại nói về Tô Lâm, nếu không có bàn tay ông Trọng nâng đỡ, thì ông ta không có cơ hội xây dựng hệ thống chân rết vững chắc tại Bộ Công an như ngày nay. Không có sự trọng dụng của ông Trọng, thì ông Tô Lâm không có cơ hội tạo phản, và tạo dựng cho mình trở thành thế lực mạnh nhất trên chính trường như hiện nay.
Như vậy, sự gắn kết giữa Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, chẳng qua là sự lợi dụng qua lại lẫn nhau. Và đây cũng là bức tranh điển hình cho những gì đang diễn ra bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi mối quan hệ đều là lợi dụng lẫn nhau, niềm tin, lòng trung thành, chỉ là cách mà người ta muốn cho kẻ mạnh nhìn thấy, trong khi đợi thời cơ làm nên chuyện lớn.
Nói đâu xa, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh cũng là nhóm chính trị lợi dụng Tổng Trọng để phát triển. Ông Tổng nhờ có 2 nhóm này, để làm nên bộ khung của một Ban Bí thư dễ bảo. Còn nhóm này thì lợi dụng sự che chở của ông Trọng để phát triển. Tô Lâm giả vờ trung thành với ông Tổng Bí thư, trong thời gian phò ông “đốn củi”, thì ắt hẳn, Tô Lâm cũng nhận ra dã tâm của nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dưới bàn tay ông Tổng Bí thư, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh được đặt trên đầu Bộ Công an. Muốn thu gom “củi”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là bộ lọc đầu tiên, sau đó mới đến lượt Bộ Công an. Ban Bí thư do phe Nghệ An và Hà Tĩnh đóng vai trò chính. Bộ Công an do nhóm Hưng Yên làm chủ. Tưởng rằng, tất cả các nhóm này là anh em, vì thờ chung một chủ. Nhưng không, nhóm nào cũng có toan tính riêng của nhóm đó, và cuối cùng, bộ mặt thật cũng hiện lên, phe Hưng Yên ở Bộ Công an tấn công vào phe Nghệ An và Hà Tĩnh để giành lợi thế.
Để trở thành thế lực mạnh nhất trên chính trường, Tô Lâm không thể chỉ sử dụng người Hưng Yên. Bởi người Hưng Yên trong Trung ương Đảng không đông như nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh. Mà Tô Lâm còn cần phải mở rộng, để củng cố quyền lực. Hiện nay, Tô Lâm đang rất cẩn thận trong việc dùng người ngoài nhóm Hưng Yên. Ông Tô Lâm thường chọn người bên ngoài Hưng Yên dựa trên các mối quan hệ gia đình, để tránh bị phản bội, như ông đã từng làm phản đối với Nguyễn Phú Trọng.
Phe Tô Lâm không chỉ có những người Hưng Yên, mà còn có Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng quê Tây Ninh; và Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an, quê Bắc Giang. Cả hai đều có quan hệ gần gũi mang tính chất gia đình với ông Tô Quyền – bố của Tô Lâm.
Đã từng tạo phản, xem ra, Tô Lâm cẩn thận trong việc dùng người hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thái Hà – Thoibao.de