Hầu hết các công ty sản xuất lớn trên thế giới không tự mình làm từ A-Z mọi thứ, mà thay vào đó, họ có một mạng lưới đối tác trên toàn cầu. Ví dụ ngành may mặc, các ông lớn như Nike và Adidas không tự mình bán lẻ, mà họ nhường phần bán lẻ lại cho các đối tác.
Ngành công nghiệp ô tô trên thế giới xuất hiện hơn 100 năm qua, trong đó, không có ông lớn nào tự sản xuất, rồi tự bán lẻ, ngoại trừ những hãng xe sang sản xuất số lượng rất ít. Việc một hãng sản xuất kiêm luôn việc bán lẻ đã hiếm, không nói đến việc hãng sản xuất lại xuất tiền túi ra, để bao tiêu sản phẩm do mình sản xuất ra.
Ông Phạm Nhật Vượng thành lập Công ty taxi GSM để bao tiêu sản phẩm của VinFast, là mô hình “tự thải tự ăn”, không tốt cho sức khỏe doanh nghiệp. Mô hình này “được” nhiều tờ báo trong nước ca ngợi là mô hình “mới”. Tuy nhiên, dù có ca ngợi thế nào, cũng không thể che đậy được thực tế rằng, xe VinFast không lấy được lòng tin của khách hàng.
Hãng taxi dù lớn đến mấy, cũng không thể bao tiêu hết món hàng ế của VinFast. Cho nên, cách làm của ông Vượng thể hiện sự bế tắc, hơn là một sáng kiến cho mô hình kinh doanh mới. Các chuyên gia không đánh giá cao mô hình này của ông Vượng.
Ngày 1/7, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF – Vì Tương lai Xanh, hoạt động trong lĩnh vực mua bán và cho thuê ô tô điện. Theo thông tin từ VinGroup, thì đây là cách làm gia tăng khả năng tiếp cận ô tô điện cho đông đảo người dân, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, góp phần hiện thực cam kết Netzero vào năm 2050 của Chính phủ.
Tất nhiên, VinGroup không thể thú nhận rằng, xe điện do VinFast sản xuất đang tồn kho, và cần phải tìm cách tống khứ đi.
Hồi giữa tháng 6, trả lời phỏng vấn của một hãng tin nước ngoài, ông Vượng khẳng định rằng, ông sẽ đầu tư vào VinFast cho đến khi hết tiền. Không biết, đến bao giờ ông Vượng sẽ “hết tiền”, bởi ông đang gom tiền từ Tập đoàn VinGroup để cho VinFast đốt. Ông Vượng có một thuận lợi là, ông đang được chính quyền Cộng sản nâng đỡ hết mình. Ngay cả Ban Tuyên giáo cũng đang làm truyền thông cho VinGroup, điều này cho thấy, VinGroup vẫn đang dựa hơi chính trị trong nước, để gom vốn cho Vinfast.
Làm ra sản phẩm bị thị trường từ chối, rồi lại lập nhiều doanh nghiệp khác, để tiêu hóa hết số hàng sản xuất ra, là cách “rắn tự nuốt đuôi”. Nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế tự do đúng nghĩa, thì cách làm của ông Vượng là “tự sát”.
Nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam đang được điều hành bởi Đảng Cộng sản, là địa ngục cho những doanh nghiệp chân chính, nhưng lại là thiên đường cho những doanh nghiệp thân hữu. Nhờ quyền lực chính trị, doanh nghiệp thân hữu vẫn cứ giàu lên, mà không cần phải có những chiến lược kinh doanh tốt. Những đồng tiền mà doanh nghiệp thân hữu kiếm được, không phải là đồng tiền do họ làm ra, mà là đồng tiền do họ móc túi xã hội một cách tinh vi, thông qua những chính sách mờ ám, những ưu đãi đặc biệt, và những lợi thế do được quan chức giúp đỡ vv…
VinGroup gom đất giá rẻ, sau đó xây nhà cao tầng, nhà biệt thự, rồi đẩy lên thành giá khủng. Từ chỗ được sự giúp đỡ của quyền lực chính trị, gom đất thổi giá, từ đó, vốn hóa thị trường của VinGroup cũng tăng lên. Khi vốn hóa tăng, thì lại kêu gọi nhà đầu tư góp vốn dễ dàng hơn. Từ đó, VinGroup mới có tiền cho VinFast đốt. Thực sự, VinFast đang đốt tiền của bá tánh, tức là tiền các nhà đầu tư vẫn ngày ngày đổ vào VinGroup.
Lấy tiền bá tánh đốt cho VinFast, Phạm Nhật Vượng gần như không sợ cạn tiền. Ông kinh doanh theo kiểu rắn nuốt đuôi, nếu là doanh nghiệp tự thân, không cậy nhờ quyền lực chính trị, thì đấy là kiểu kinh doanh tự sát. Tuy nhiên, ông Vượng thì vẫn ung dung, vì ông đã có nguồn tiền “vô tận” của bá tánh.
Trần Chương – Thoibao.de