Ngày 3/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Các hãng khổng lồ và kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam”.
Theo đó, những tập đoàn toàn cầu lớn, gồm Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác, hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam.
RFA cho biết, báo The Investor – thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài Việt Nam (VAFIE), vào ngày 3/7, dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ Hà Nội, về cảnh báo vừa nêu.
Cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo, liên quan dự thảo nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư, sắp được công bố.
RFA dẫn Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, cho hay, chính sách hiện nay của Chính phủ Hà Nội, chỉ hỗ trợ giới hạn với ưu đãi dựa trên thu nhập; trong khi đó, Thuế Tối thiểu Toàn cầu sẽ tác động bất lợi lớn đối với Việt Nam.
Khung pháp lý lỗi thời của Chính phủ Hà Nội, đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam, bỏ qua thị trường này, để đầu tư vào những nơi khác.
RFA liệt kê một số trường hợp đáng chú ý, như:
LG Chemical từng đề nghị dự án sản xuất pin tại Việt Nam, với yêu cầu hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt; cuối cùng, hãng quyết định chọn đầu tư dự án này tại Indonesia.
Intel cũng có đề nghị dự án đầu tư sản xuất chip vốn 3,3 tỷ USD, với yêu cầu Việt Nam trả 15% bằng tiền mặt; cuối cùng dự án được quyết đầu tư tại Ba Lan.
Tập đoàn AT&S của Áo, chuyên sản xuất bảng bo mạch in cao cấp, từng tiến hành khảo sát và đưa ra đề nghị đầu tư với Chính phủ Hà Nội, nhưng rồi quyết định đầu tư tại Malaysia, vì Việt Nam không thể đáp ứng những hỗ trợ đầu tư và công nhân lành nghề cho dự án.
Không chỉ các dự án đầu tư trực tiếp FDI rút vốn, mà các nhà đầu tư gián tiếp hoặc góp vốn, cũng đang tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam.
Ngày 24/6, RFA cho hay “Tập đoàn SK của Hàn Quốc rút vốn khỏi Masan và VinGroup”.
RFA dẫn tin từ báo chí Hàn Quốc cho biết, SK Group là Tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc, đang trong quá trình thoái vốn khỏi Masan và VinGroup, và hy vọng có thể thu về 720 triệu đô la thông qua việc bán các khoản đầu tư ở 2 tập đoàn này tại Việt Nam.
Theo đó, SK Group đã đầu tư 470 triệu đô la, tương đương 9,5% số cổ phần vào Masan, vào năm 2018; và đầu tư 1 tỷ đô la vào VinGroup một năm sau đó.
Trong một thông báo công bố hôm 24/6, Masan cho biết, 2 công ty đang trong giai đoạn cuối để SK Group giảm cổ phần nắm giữ tại Masan.
Còn báo chí Hàn Quốc cho biết, SK Group hy vọng có thể hoàn tất việc đàm phán, bán 6,1% cổ phần của Vingroup chậm nhất vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, báo Đầu tư Online ngày 4/7 cho hay, giá trị bán ròng của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đến hết quý II/2024 là hơn 52.700 tỷ đồng. Nửa năm, khối ngoại bán ròng gấp 2,26 lần cả năm 2023, và xấp xỉ 87% giá trị bán ròng kỷ lục, từng xác lập năm 2021.
Đơn cử, đến hết quý II/2024, giá trị cổ phiếu Việt Nam do Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF, thuộc Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock, chỉ còn chưa đến 18 triệu USD (458 tỷ đồng), tương đương 5,42% tổng giá trị tài sản ròng của quỹ.
Theo báo Đầu tư Online, các cổ phiếu của Việt Nam từng có thời điểm chiếm tới gần 30% tỷ trọng danh mục đầu tư của Tập đoàn BlackRock. Nhưng chỉ tính từ ngày 11/6 đến nay, tổ chức này đã thu về cả ngàn tỷ đồng, thông qua bán cổ phiếu Việt Nam.
Song song với việc rút vốn khỏi Việt Nam, quỹ đã gia tăng tỷ trọng đầu tư vào BlackRock Cash Funds, gồm ít nhất 99,5% giá trị danh mục là tiền mặt (USD), tín phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu kho bạc Mỹ…
Thu Phương – thoibao.de