Ngày 7/7, blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt bình luận “Quyền lực Tô Lâm lớn cỡ nào?”
Tác giả đề cập đến việc Bộ Chính trị phân công ông Tô Lâm “tiếp tục tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ của Đảng ủy, nhiệm kỳ 2020 – 2025”, và bình luận:
Vậy là, Chủ tịch nước Tô Lâm tuy ngồi trên “Tứ trụ”, nhưng vẫn sẽ nắm rất chắc Bộ Công an ở bên dưới, qua ba kênh: là Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh (theo Hiến pháp); là Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương (Bộ Chính trị vừa phân công); và Bộ trưởng Quang là dân Hưng Yên, là “đệ tử ruột” của Tô Đại tướng.
Tác giả dẫn lời nhận định của bà Ishizuka, từ Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản), rằng: “Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng tại Bộ Công an, sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định, liệu ông có thể trở thành Tổng Bí thư hay không”.
Tác giả nhắc lại việc Tô Lâm thành công đưa Lương Tam Quang lên Bộ trưởng Công an, và cài cắm Nguyễn Duy Ngọc và chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và nhận định:
Trên lý thuyết, quyền lực Tô Lâm không phải là vô đối, mà được cân bằng và kiểm soát bởi các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhưng qua những đợt “xáo bài” trên thực tế, các lần “đánh lấn” của Tô Lâm, đều thành công mỹ mãn.
Tác giả bình luận, quyền lực của tân Chủ tịch nước trong mối tương quan với Tổng Bí thư, có lẽ là một trong những ẩn số lớn của cuộc chiến cung đình, với 2 xu hướng trái ngược: Tô Lâm là công cụ của ông Trọng; hoặc Tô Lâm là “phản đồ”.
Tuy nhiên, theo tác giả, trong cơ cấu quyền lực hiện tại của Đảng, Tổng Bí thư vẫn là vị trí quyền lực cao nhất. Trong khi đó, tân Chủ tịch nước, phụ thuộc nhiều vào sự đồng thuận trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư – nơi mà Tổng Bí thư có tiếng nói quyết định. Mối tương quan quyền lực giữa tân Chủ tịch nước, với một Tổng Bí thư cao tuổi và bị bạo bệnh, có thể sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố chính trị, sự ủng hộ trong nội bộ, cũng như các quyết định cá nhân của các thành viên khác trong Trung ương và Bộ Chính trị.
Tác giả nhận định, dù có tăng cường bắt bớ, tân Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn khó trở thành nhà độc tài. Nắm giữ vị trí thứ 3 trong “Bộ tứ”, Tô Lâm đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan cả về đối nội lẫn đối ngoại. Theo những rò rỉ từ nội bộ, một mặt, tân Chủ tịch nước muốn các phe phái tạm hưu chiến, để chuẩn bị cho Đại hội 14. Nhưng sau những chiến dịch “đốt lò” kinh thiên động địa vừa qua, thì đây không còn là nhiệm vụ dễ dàng. Mặt khác, tân Chủ tịch nước cũng phải tập trung làm tốt nhiệm vụ tham mưu trong Bộ Chính trị, đề xuất với Tổng Trọng nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Tác giả dẫn một nguồn nội bộ, cho biết, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đang lên kế hoạch cho một số hoạt động đối ngoại, để ra mắt quốc tế. Có tin, Tô Lâm sẽ sang Lào ngày 9/7 và đi Campuchia ngày 10/7 tới. Nếu đúng, thì đây là quyết định tập thể của Bộ Chính trị, và nằm trong định hướng đối ngoại lớn của Đảng. Thăm Campuchia trong bối cảnh cha con nhà Hun Sen “đang quậy” hết cỡ, cũng là thách thức cho tân Chủ tịch nước.
Yếu tố bất ngờ chưa biết được là tân Chủ tịch nước sẽ có mũi đột phá nào trong bang giao với các cường quốc?
Tác giả cho rằng, quyền lực – câu chuyện ngàn xưa ấy bao giờ cũng mới.
Vị trí Chủ tịch nước chưa bao giờ bất ổn như thời gian qua. Trong bối cảnh ấy, quyền lực của Tô Lâm cũng chỉ là tương đối, và đến phút này vẫn khó tiên lượng một cách chắc chắn, quan hệ giữa Tô Đại tướng với Tổng Bí thư “cơm có lành, canh có ngọt”, cho tận phút chót của “vở diễn”?
Xuân Hưng – thoibao.de