Ngày 10/7, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận ‘“Tầm nhìn” hướng về đâu?”
Theo tác giả, tháng 3 vừa qua, tại cuộc gặp gỡ thường niên với các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam (FDI), ông Phạm Minh Chính cam kết, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam sẽ thực hiện… “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường”.
Về 3 đảm bảo, có “đảm bảo ổn định an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh và hệ sinh thái chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…”
Về 3 đột phá, có “đột phá về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; đột phá về cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Về 3 tăng cường, có “tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững”.
Tác giả nhận xét, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, không chỉ đưa ra những tuyên bố, cam kết rổn rảng về chuyển đổi số, mà còn ban hành nhiều quy phạm pháp luật, để hỗ trợ các tuyên bố, cam kết đó, như Luật Công nghệ cao (2008). Luật này xác định, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa là những lĩnh vực “ưu tiên đầu tư, phát triển”.
Sau đó, các văn bản quy phạm pháp luật khác thi nhau khoe sắc như hoa xuân, với hàng loạt giải pháp như: Hoàn thiện thể chế. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao…
Tác giả nêu vấn đề: Cuối cùng kết quả ra sao?
Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi ông Chính cam kết thực hiện “3 đảm bảo, 3 đột phá, 3 tăng cường”, là hàng loạt “tin đồn” về việc Intel (Mỹ) bỏ ý tưởng gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Kế đó là LG Chemistry (Nam Hàn). Ngoài ra, AT&S (Áo), Samsung (Nam Hàn), SMC (Nhật),… hoặc ngừng đầu tư thêm vào Việt Nam, hoặc thay đổi địa điểm đầu tư, chuyển dự án từ Việt Nam sang các quốc gia khác như Ba Lan, Indonesia, Malaysia,…
Tác giả nhận định, sở dĩ những tập đoàn vừa kể thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam, bởi các quy định dẫu đã lỗi thời nhưng vẫn còn hiệu lực, khiến Việt Nam từ chối hỗ trợ một phần chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số tập đoàn thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam, còn vì thị trường lao động Việt Nam không đủ khả năng cung cấp nhân lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của họ.
Theo tác giả, chỉ riêng các số liệu liên quan đến riêng Intel cho thấy, hậu quả của việc nhiều tập đoàn ngoại quốc thay đổi quyết định đầu tư vào Việt Nam, trầm trọng đến mức nào. Intel đầu tư vào Việt Nam từ 2006. Tổng sản lượng của Intel chiếm khoảng 50%, trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu. Tính đến 2021, giá trị suất đầu tư của Intel vào Việt Nam là 1,5 tỉ Mỹ kim. Giá trị xuất cảng từ 2010 đến quý 3/2023 đạt 82 tỉ Mỹ kim, tương đương 60% tổng giá trị xuất cảng của Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài chuyện tạo cơ hội làm việc cho 6.500 người, Intel đã chi 550 tỉ hỗ trợ giáo dục kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Suất đầu tư mà Intel vừa quyết định ngưng rót vào Việt Nam, để đổ vào Ba Lan, trị giá 3,3 tỉ Mỹ kim.
Vẫn theo tác giả, ngay thời điểm này, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định “chấm dứt Dự án Công viên Sài Gòn Silicon”. Bởi chủ đầu tư dự án này được cấp 52 héc ta đất, được ví von là “vàng” trong Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, để tạo ra “Saigon Silicon City”. Nhưng chủ đầu tư đã tổ chức động thổ năm 2016, rồi bỏ 52 héc đất ấy nuôi cỏ.
Nhiều người tin rằng, việc thu hồi giấy phép đầu tư “Dự án Công viên Sài Gòn Silicon” chỉ là bước khởi đầu, trong việc phải xử lý hậu quả của chủ trương và các quy phạm pháp luật, nhân danh các loại “số” để “đột phá”!
Tác giả mỉa mai, nhìn chung, “đột phá” hay “tầm nhìn”, đều vi diệu, không dễ hiểu như lẽ ra phải thế!
Minh Vũ – thoibao.de