Taxi điện Việt Nam không được Chính phủ Campuchia cấp phép hoạt động

Ngày 14/7, BBC Tiếng Việt loan tin, “Thủ tướng Hun Manet bác thông tin cho công ty taxi điện Việt Nam hoạt động tại Campuchia”.

BBC dẫn báo Khmer Times, ngày 14/7 cho biết, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bác bỏ thông tin cho rằng, Chính phủ của ông cho phép các Công ty taxi điện của Việt Nam và Trung Quốc hoạt động tại Campuchia.

BBC dẫn lời ông Hun Manet cho biết, ông nhận được thông tin từ một nguồn đáng tin cậy, về việc một nhóm người đã huy động các tài xế xem ôm và taxi ba bánh (tuk tuk), lên tiếng phản đối, với cáo buộc Chính phủ đã cho phép công ty xe điện Trung Quốc và Việt Nam hoạt động tại Campuchia, và điều đó có thể khiến họ mất việc làm trong tương lai.

Ông Hun Manet cho biết, về vấn đề này, ông đã nói rõ nhiều lần, rằng Chính phủ Campuchia chưa bao giờ cấp phép cho các công ty xe taxi điện, từ Việt Nam hay từ bất kỳ quốc gia nào, làm ăn kinh doanh tại Campuchia.

Ông nói, Campuchia chưa cần các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực taxi điện.

Thủ tướng Campuchia cũng nhắc lại mối quan tâm của Chính phủ trong việc cải thiện mức sống của công nhân, làm việc trong các lĩnh vực kinh tế phi chính thống, bao gồm tài xế xe ôm hoặc xe ba bánh.

Bên cạnh đó, ông Hun Manet cũng cảnh báo, những người tung tin giả sẽ lãnh các hậu quả pháp lý, và kêu gọi các tài xế xe ôm, xe ba bánh, không tin vào sự kích động của nhóm người này.

BBC cho biết, tỉ phú Phạm Nhật Vượng từng đặt mục tiêu, sau Lào sẽ là Campuchia

BBC cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Campuchia bác bỏ khả năng Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực taxi điện tại quốc gia này.

BBC đề cập đến thông cáo của người phát ngôn Chính phủ Campuchia, bác bỏ tin Tập đoàn VinGroup có kế hoạch khởi động công ty, gồm 2.500 xe taxi điện ở Phnom Penh, Sihanoukville và Siem Reap, vào tháng 12/2023.

Theo thông cáo trên, nguyên nhân của sự hiểu lầm là từ cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Manet và Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng, vào chiều ngày 12/12/2023 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Hun Manet.

Theo BBC, vào tháng 6/2023, ông Phạm Nhật Vượng công bố quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện, và dịch vụ taxi. Xe chạy dịch vụ là các sản phẩm xe điện của VinFast.

Tháng 11/2023, GSM đã khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào. Theo thông cáo chính thức, VinFast cho biết “ngay sau Lào, GSM sẽ mở rộng ra các quốc gia Đông Nam Á”.

Tháng 1/2024, GSM cho biết, họ xem Indonesia là thị trường “tiềm năng và trọng điểm”, với tuyên bố vốn đầu tư có thể lên tới 900 triệu USD.

Vẫn theo BBC, vào tháng 11/2023, trả lời báo VnExpress, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty GSM toàn cầu, nói: “Sau Lào sẽ là Campuchia”.

Như vậy, Campuchia đã được dự tính là một điểm đến tiếp theo sau Lào, của GSM, nhưng đến nay, Tập đoàn này không thể hoạt động tại xứ sở chùa tháp.

BBC cho biết thêm, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào và Campuchia, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố món quà của Việt Nam, tặng Lào 20 xe điện VinFast VF9.

Ông Tô Lâm hôm 11/7 đã đích thân lái một chiếc xe VinFast VF9, chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đi một đoạn, trong khi tại Campuchia, ông không tặng xe VinFast.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình kinh doanh của VinFast, BBC tiếp tục cho hay, hãng xe điện Việt Nam đã hoãn khánh thành nhà máy tại bang Bắc Carolina, Mỹ, sang năm 2028.

Hãng cũng hạ mục tiêu bán hàng cả năm từ mức 100.000 chiếc, xuống còn 80.000, trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu chững lại.

BBC dẫn số liệu từ Bộ Giao thông Công chính Campuchia, theo đó, tính trong 6 tháng đầu năm 2024, Campuchia có tổng cộng 2.968 xe điện được đăng ký chính thức, hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang dẫn đầu tại thị trường này.

 

Quang Minh – thoibao.de