Công lao Tổng Trọng cho Đảng hay cho dân?

Chính quyền đã thông báo chính thức về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trên mạng xã hội thì có rất nhiều ý kiến trái chiều về con người ông. Ngay cả một số ngòi bút thường phê bình chế độ một cách thẳng thắn, cũng bày tỏ sự kính trọng đối với ông. Nhiều người tỏ lòng tiếc thương, và cho rằng, công và tội của ông để lịch sử phán xét. Đây là chỉ là cách nói mang tính tránh né, hơn là nhận xét công tâm.

Tất nhiên, công và tội của ông Trọng không thể thoát khỏi sự phán xét của lịch sử, nhưng câu hỏi đặt ra là, “lịch sử nào” phán xét? Hiện nay, lịch sử Việt Nam đang bị viết bởi Đảng Cộng sản, và tất nhiên, họ luôn tô hồng mọi thành tích của giới lãnh đạo Cộng sản, cho dù họ vẫn ngầm mâu thuẫn với nhau. Bất kể ông nào, dù gây ra tội ác đến đâu, thì qua lăng kính của “lịch sử” do Cộng sản viết nên, cũng đều là công lao trời bể. Ví dụ như chính sách Cải cách Ruộng đất do ông Hồ Chí Minh triển khai, đã sát hại 172 ngàn đồng bào vô tội, nhưng lịch sử của bên thắng cuộc nào có ghi?

Có thể hiểu, lịch sử đúng nghĩa phải là lịch sử hậu Cộng sản, do những nhà nghiên cứu lịch sử trong tương lai sẽ viết lại.

Tuy nhiên, không biết đến bao giờ Cộng sản mới sụp đổ, và đến lúc đó, những dữ liệu về Tổng Trọng có còn được lưu giữ đầy đủ hay không? Hay đã bị thất thoát, bị tiêu huỷ, hoặc bị mai một, bởi chế độ Cộng sản vốn có thói quen “tốt khoe, xấu che”, nên những tư liệu cho thấy sự xấu xa, họ sẽ không để nó tồn tại.

Điều dễ nhận ra nhất ở con người của Tổng Trọng – đó là, ông là người Cộng sản trung kiên, và có lẽ là người cuối cùng trong Đảng Cộng sản, còn tin vào mớ học thuyết sai lầm của Các Mác, Lê Nin, và cả cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trên chính trường, ông là người đa mưu túc trí, đã khiến cho không ít đối thủ phải ngã ngựa, và từ giã sự nghiệp chính trị. Tuy nhiên, ở khía cạnh khoa học chính trị, thì ông là một người “ngây thơ”. Ông không đủ trí tuệ để nhận thấy, mớ lý thuyết kia là độc hại. Đấy chính là bi kịch lớn nhất cho Việt Nam.

Ông Trọng đã chống tham nhũng một cách nhiệt tình, điều này được cả phía xu nịnh lẫn bên phê phán chế độ thừa nhận. Tuy nhiên, nhiệt tình của ông, cộng với sự thiếu vắng trí tuệ, đã khiến ông chống tham nhũng một cách không định hướng. Và thực tế đã cho thấy, sau khi lò của ông bùng cháy mạnh, thì tham nhũng cũng nổi lên nhiều hơn. Lớp này bị đốt, thì lớp khác lại trồi lên thay thế, cứ như sóng biển xô bờ.

Có thể nói, ông Trọng là người Cộng sản hiếm hoi có được nhiều cảm tình từ các thành phần khác nhau trong xã hội. Sau ông, chắc sẽ không còn ai được như vậy. Có thể nói, ông là “hàng hiếm” trong Đảng. Mặc dù ông cũng dính đến sai phạm trong quá khứ, khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tuy nhiên, sai phạm ấy được đánh giá là xảy ra đã lâu, và không kinh khủng bằng giới lãnh đạo hiện nay. Những gì ông đã làm, hơn rất nhiều những người xung quanh ông. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, những gì ông làm là có lợi cho Đảng của ông, hay cho nhân dân?

Để trả lời câu hỏi này, cần đặt tiếp câu hỏi, dân có được lợi ích cụ thể nào trong công cuộc “đốt lò” của ông Tổng hay không? Khi lò đang cháy, dân có thoát khỏi trò trấn lột của bộ máy chính quyền, ngay cả trong lúc dịch Covid đang ở đỉnh điểm hay không? Dân có hết bị cướp đất, có được trả lại đất đã bị cướp hay không? Dân có được hưởng giá điện, giá xăng, hợp lý hay không? Dân có thoát khỏi sưu cao thuế nặng hay không? Sao chính quyền vẫn xây tượng đài, cổng chào ngàn tỷ tràn lan, mà bỏ bê việc xây trường học xây bệnh viện?

Và còn rất nhiều câu hỏi xoáy vào việc “dân được gì”, thì sẽ lòi ra ngay câu trả lời.

Nhờ ông, Đảng Cộng sản có được một huyền thoại nữa, để ru ngủ toàn dân, và dựa vào đó, họ tha hồ móc túi dân để đánh chén no nê.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de