Tương lai chính trị Việt Nam hậu Nguyễn Phú Trọng

Ngày 18/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Sự ra đi của ông Trọng ảnh hưởng đến tương lai chính trị Việt Nam như thế nào?”

RFA đề cập đến việc Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ Chính trị phân công thay quyền ông Trọng, điều hành công việc của Đảng, cùng với đồn đoán là ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả 2 vị trí Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng:

“Ông ấy đã ngồi xổm lên Điều lệ Đảng. Đó là điểm mà tôi nói là tham quyền cố vị.”

“Ông ấy đã thất bại hoàn toàn trong việc chọn người kế vị.”

“Bây giờ, chắc chắn là kỷ nguyên của ông Nguyễn Phú Trọng đã qua, kỷ nguyên của ông Tô Lâm bắt đầu.”

Tiến sỹ Nguyễn Quang A đặt ra 2 giả thuyết. Một là, thấy đáng lo ngại nhiều hơn, vì Bộ Công an thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng, đã bắt nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự, soạn thảo nhiều bộ luật có tính bảo thủ cho Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng thứ 2, thấp hơn, là khi đã nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, ông Tô Lâm có thể thực hiện một số cải cách, dưới sự đòi hỏi của người dân, sức ép của tình hình quốc tế, cũng như do nhiều yếu tố khác.

RFA dẫn ý kiến của Giáo sư Carlyle Thayer, cho rằng, sẽ không có sự gián đoạn lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại, sau khi Bộ Chính trị giao cho ông Tô Lâm chủ trì công việc của Đảng.

Ông Thayer nhận xét, quyết định giao quyền lực cho Tô Lâm, là một quyết định thận trọng, vì nó mang lại một khoảng thời gian để chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIV.

RFA dẫn tiếp chia sẻ của Giáo sư Zachary Abuza, với hy vọng, việc ông Tô Lâm cầm quyền sẽ chấm dứt đấu đá chính trị nội bộ, cho đến Đại hội Đảng 14. Nhiều khả năng, ông Tô Lâm sẽ nắm giữ cả 2 chức: Chủ tịch nước và Tổng Bí thư.

Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương sẽ triệu tập để phê chuẩn vai trò Tổng Bí thư của ông Tô Lâm. Ông sẽ đảm nhận việc lập kế hoạch cho Đại hội Đảng XIV, trong đó có việc sửa đổi Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, và các văn bản chính sách quan trọng khác. Ông Tô Lâm sẽ giám sát công việc của Tiểu ban Nhân sự, kiểm tra và phê duyệt các ứng cử viên tranh cử vào Ủy ban Trung ương mới và “Tứ trụ” lãnh đạo. Đồng thời, trên cương vị Chủ tịch nước, ông sẽ tiếp tục đại diện cho Việt Nam gặp gỡ các đối tác quốc tế, hoặc trong các chuyến thăm trao đổi tại Việt Nam.

Tuy đồng quan điểm với Giáo sư Thayer, nhưng Giáo sư Zachary chia sẻ rằng, ông có cảm giác, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không hài lòng với sự bất ổn chính trị do tham vọng của ông Tô Lâm gây ra.

RFA dẫn nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng, lúc này, chẳng có ai có thể thách thức được vị thế số một của ông Tô Lâm, thu giang sơn về một mối dưới bàn tay của lực lượng công an. Tuy vậy, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, người ta “khó mà cho rằng, điều ấy sẽ giúp mở ra thời kỳ ổn định chính trị mới dưới họng súng. Trái lại, hệ thống quyền lực chính trị Việt Nam ở thượng tầng sẽ vẫn tiếp tục bất ổn trong tương lai gần”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích, vì lẽ, với việc ông Trọng tự đặt ra ngoại lệ “trường hợp đặc biệt”, để duy trì quyền lực cá nhân của mình trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 3, chẳng khác gì việc mở chiếc hộp “Pandora” đầy tai ác. Điều đó gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về sự khủng hoảng niềm tin, tôn trọng Điều lệ Đảng, đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng, trước cơ hội thay đổi nhân sự theo cách không cần tuân thủ Điều lệ Đảng nữa. Ông Tô Lâm sẽ sớm nắm giữ chiếc ghế Tổng Bí thư theo cách ấy.

“Xứ sở này, còn trả giá đến mức nào nữa trước khi đến hồi thái lai…?” – Luật sư Đặng Đình Mạnh đặt câu hỏi.

 

Minh Vũ – thoibao.de