Mỹ hoãn ra quyết định công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thêm 6 ngày

Ngày 25/7, VOA Tiếng Việt đưa tin, “Mỹ hoãn ra quyết định xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam đến 2/8”. Bản tin cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hoãn quyết định, về việc có hay không nâng cấp Việt Nam thành nước có nền kinh tế thị trường cho đến đầu tháng 8/2024, với lý do được đưa ra vì sự gián đoạn về công nghệ thông tin.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, được đánh giá là một mất mát đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nước Mỹ ngay lập tức hướng tới nhân vật nắm giữ quyền lực nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay – ông Tô Lâm.

Quyết định về việc xem xét quy chế thị trường cho Việt Nam, là quyết định quan trọng, mà Ban lãnh đạo Hà Nội đã mong đợi từ lâu, được dự kiến đưa ra vào ngày 26/7. Tuy nhiên, mốc thời gian này trùng với Lễ Quốc tang của Tổng Trọng, trong 2 ngày 25 và 26/7, nên chính phủ Mỹ hình như muốn tránh đưa ra quyết định vào thời điểm tế nhị này.

Việc Việt Nam bị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đưa vào danh sách “12 nền kinh tế phi thị trường”, trong đó có cả Nga, Trung Quốc, và một số quốc gia có hơi hướng độc tài, bởi nền kinh tế chịu sự chi phối nặng nề của nhà nước.

Lâu nay, các quan chức lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi của tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nhưng Hoa Kỳ và các nước phương Tây dứt khoát không thừa nhận.

Nếu Việt Nam được công nhận có kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ được giảm thuế chống bán phá giá. So sánh với Thái Lan, một quốc gia có nền kinh tế thị trường, mức thuế áp tôm đông lạnh của Thái chỉ là 5.34%, trong khi cũng với mặt hàng này, Việt Nam phải chịu thuế suất gấp gần 5 lần lên tới 25.76%.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các công ty sản xuất thép và các doanh nghiệp sản xuất tôm tại Mỹ, không ủng hộ việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng các hãng bán lẻ và nhiều nhóm doanh nghiệp khác thì lại ủng hộ.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội, ngày 10/9/2023, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, theo luật của Hoa Kỳ.

Ngay sau đó, tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Hoa Kỳ, đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường”. Việt Nam được phía Mỹ hứa hẹn sẽ xem xét. Theo luật pháp nước Mỹ quy định, quá trình xem xét sẽ phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức là vào khoảng giữa tháng 7/2024.

Nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn của phương Tây hay Hoa Kỳ, không thừa nhận sự can dự của nhà nước vào nền kinh tế. Với lý do, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, giữa các thành phần kinh tế.

Theo giới quan sát, dường như, nhà nước Việt Nam và ông Phạm Minh Chính liên tiếp có những phát biểu và hành động phớt lờ điều cấm kỵ của Hoa Kỳ, về tiêu chuẩn một nền kinh tế thị trường. Nhà nước Việt Nam vẫn can dự mạnh mẽ vào nền kinh tế. Việc Chính phủ Việt Nam thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ lã triền miên, hay mới nhất, việc nhà nước can thiệp vào thị trường vàng, là những bằng chứng không thể chối cãi.

Đây là những vấn đề khó khăn cũng như thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Theo giới quan sát quốc tế, đây là một quyết định “khó khăn” đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, do phía Mỹ một mặt đang nỗ lực lôi kéo Việt Nam, mặt khác đáp ứng quyền lợi của các công ty Mỹ, trong lúc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Rất có thể là chính phủ Mỹ sẽ quyết định từ chối công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

 

Trà My – Thoibao.de