Ngày 25/7, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Mày không khóc bác Trọng, tao mách chú công an”, của blogger Nguyễn Nhơn.
Tác giả kể về việc Phạm Thoại – một KOL bán hàng trên TikTok, hôm 19/7 đã tự ý ngưng ngang cuộc live stream bán hàng, vì anh mới nhận được tin “bác Trọng đã mất” nên “không thể tiếp tục bán hàng nữa”.
Gần như, tất cả các comment ở dưới trang cá nhân của Phạm Thoại đều ca ngợi hành động này.
Tác giả đánh giá, việc tự ý phá vỡ hợp đồng như thế là tối kỵ, bởi vì, tổ chức một phiên live stream bán hàng lớn như vậy, là một quá trình chuẩn bị và phối hợp làm việc của rất nhiều người.
Phạm Thoại được ca ngợi, nhưng thiệt hại của các nhãn hàng chưa thể tính được. Về lâu dài, các nhãn hàng hợp tác sẽ phải cân nhắc hơn khi hợp tác với Thoại.
Theo tác giả, Phạm Thoại và nhãn hàng có thể dừng việc bán hành, dành một phút để mặc niệm. Sau đó lại tiếp tục bán hàng, nhưng tiết chế âm nhạc rộn rã hay các hành động la hét nhảy nhót quá độ.
Nói cách khác, trong việc này Phạm Thoại đã hành xử chưa chuyên nghiệp.
Tác giả kể tiếp về trường hợp Duy Muối – một Giám đốc sáng tạo trẻ với các hoạt động quảng cáo, hướng dẫn lập kênh TikTok ở Việt Nam. Duy Muối đã bị tấn công trên mạng, bị lên án cả trên báo chính thống. Chỉ vì anh này (cả gan) bình luận dưới một tấm ảnh ông Trọng (có đề năm sinh – năm mất: 1944 – 2024), rằng: “Sao lại có số hotline thế anh?”.
Hậu quả, Duy Muối bị công ty đình chỉ công tác, bị bãi nhiệm chức Giám đốc sáng tạo, phải đóng tất cả tài khoản mạng xã hội.
Đặc biệt, công ty này còn “chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng, ghi nhận hành vi sai phạm đối với nhân sự Trần Mạnh Duy”. Choáng váng hơn nữa, họ thông báo, Duy Muối đã chủ động ra trình diện tại cơ quan chức năng.
Tác giả nhắc đến một nữ Facebooker, viết status: “Hết quốc tang chưa, nhảy được chưa mọi người?”. Cô lập tức bị đám đông phẫn nộ tràn vào trang cá nhân mắng chửi. Phản ứng trên mạng hung hãn đến nỗi, cô gái này phải xóa status, thanh minh rằng mình bị giả mạo. Chưa đủ, cô còn phải livestream “báo cáo” với cộng đồng mạng là, mình đã lên Công an Hà Nội để giải trình.
Tác giả nhận xét, hành động này thật đáng thương và đáng sợ.
Là vì, đã tồn tại một thứ quan điểm mặc định rằng, yêu nước là phải yêu lãnh đạo. Yêu im lặng không đủ, mà phải yêu công khai cho cả thiên hạ biết. Kẻ dám suy nghĩ khác, thì người ấy chính là kẻ thù của dân tộc, phải bị tiêu diệt.
Vẫn theo tác giả, đã có một cuộc “săn phù thủy” trên cõi mạng, đối tượng bị truy đuổi là những người nổi tiếng không để avatar đen, hay chia sẻ vài câu buồn thương đau đớn, sau khi ông Trọng từ trần. Đám đông săn phù thủy dọa dẫm rằng, những người này sẽ bị “bế” đi, tức sẽ bị Công an xử phạt hoặc bị bắt; đồng thời sự nghiệp sẽ tồi tệ.
Tác giả cho rằng, săn phù thủy trên cõi mạng, nghe có vẻ như không nghiêm trọng lắm. Thế nhưng, đã từng có những người bị đám đông bất bình trên mạng tìm đến tận nhà, sục vào tận cửa hàng, ngồi lì đấy để “nói chuyện phải quấy”. Cho nên, sự hung hãn nhất quán trong thái độ của đội “săn phù thủy”, chắc chắn đã và sẽ gây ra những nỗi sợ hãi khủng khiếp cho người bị săn, và nỗi ám ảnh cho người chứng kiến sự việc.
Tác giả nhận định, kết quả, hay hậu quả, thì chỉ có một: Sẽ ngày càng ít người dám chia sẻ thành thật cảm xúc, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Những cái mặt nạ xu thời sẽ ngày càng được đeo lên nhiều hơn và khéo léo hơn.
Về sâu xa, cuộc “săn phù thủy” cho thấy, bề mặt văn minh, nhân văn của không ít người trong xã hội Việt Nam, vẫn chỉ là một lớp tráng men mỏng. Bản chất vẫn là tâm lý nô dịch, u mê, sùng bái cá nhân, tôn thờ thần tượng và sẵn sàng phỉ báng những quan điểm trái chiều.
Quang Minh – thoibao.de