Mặc dù Hà Nội đã nổ lực hết sức, ráo riết vận động hành lang, thậm chí thuê công ty của Mỹ để tác động tới Bộ Thương mại Mỹ và Chính phủ Mỹ, nhưng rốt cuộc Mỹ đã từ chối công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Trong số những lý do đưa ra là việc nhà nước Việt Nam vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng.
Nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa tại Việt Nam xuất cảng sang thị trường Hoa Kỳ có thể gia tăng nhanh chóng nhờ thuế quan giảm xuống, gia tăng lợi thế so với hàng hóa của nhiều nước khác, nhất là hàng Trung Quốc.
Khi xảy ra cuộc thương chiến gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời tổng thống Donald Trump và vẫn còn kéo dài đến nay, người ta thấy Việt Nam ngày càng trở nên một mắt xích quan trọng trong hệ thống cung cấp hàng hóa toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư sản xuất đa quốc gia đã chạy đến Việt Nam mở hãng xưởng để xuất cảng sang Mỹ, châu Âu và những nơi khác. Ngay nhiều công ty Trung Quốc cũng chạy sang Việt Nam để tránh thuế quan trừng phạt đánh vào hàng hóa xuất xứ Hoa Lục.
Việt Nam nằm trong danh sách 12 nước bị Mỹ đưa vào danh sách là nền kinh tế phi thị trường bên cạnh Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.
Hà Nội rất nhiều lần thúc giục Washington, mới nhất là vào Tháng Chín 2023, Việt Nam lại nộp hồ sơ tại Bộ Thương mại Washington, chính thức yêu cầu chính phủ Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện cớ Việt Nam đã liên tiếp đưa ra rất nhiều biện pháp cải cách luật lệ kinh tế.
Thu Phương – Thoibao.de
> Bộ Chính trị sắp họp chuẩn bị Hội nghị Trung ương bất thường bầu TBT
> Tô Long – con Tô Lâm – được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương