Làm sao để chống tham nhũng “phục vụ kinh tế”?

Ngày 14/8, BBC Tiếng Việt cho hay “Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải “phục vụ kinh tế”’.

Theo đó, sáng 14/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch nước – Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Tô Lâm yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm.

BBC cho biết, những vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Xuyên Việt Oil, các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)… và các vụ án, vụ việc, liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, đã được Tô Tổng nhấn mạnh trong cuộc họp.

Đặc biệt, ông Tô Lâm còn chủ trương, phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

BBC nhận xét, Tô Tổng đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh có những lo ngại về việc chiến dịch chống tham nhũng khiến quan chức, cán bộ sợ hãi, phần nào gây tê liệt bộ máy nhà nước, và điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Theo BBC, về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tô Tổng nói rằng, sẽ kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

BBC đánh giá, điểm mới trong chủ trương của ông Tô Lâm, là việc nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực “phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội”.

Trên thực tế, hệ quả của công cuộc chống tham nhũng đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không rõ, Tô Tổng sẽ làm như thế nào để công cuộc chống tham nhũng có thể phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế? Hay đây lại là cái cớ để ông có thể xử lý nặng người này, mà tha cho người khác?

BBC dẫn bình luận của Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ, chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, nói rằng:

“Tôi ủng hộ những nỗ lực để chống tham nhũng, và tôi cũng chia sẻ lo ngại của những người cho rằng, có một bộ phận của bộ máy nắm quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, tôi hy vọng, khi Việt Nam vượt qua được giai đoạn chưa ổn định về nhân sự này, thì có thể lấy lại đà để giải quyết những vấn đề quan trọng và nâng cao nền kinh tế cũng như nâng cao cuộc sống của người dân.”

BBC cũng trích dẫn ý kiến của ông London trong bài viết trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, chỉ ra rằng, một hệ quả lớn của chiến dịch chống tham nhũng là sự tê liệt chính trị của toàn hệ thống, đặc biệt là, sự trì trệ bao trùm trong lĩnh vực đầu tư công, đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng GDP của đất nước.

“Trong năm 2023, chỉ có 63,4% ngân sách thường niên phân bổ cho đầu tư công được sử dụng do các quan chức cảnh giác và lo sợ trước sự kiểm tra, giám sát. Tác động không chỉ đơn thuần là việc làm tiêu tan tăng trưởng. Sự trì trệ của chính phủ đã dẫn tới việc trì hoãn các dự án hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm và dẫn tới sự suy giảm về hiệu quả của cả nền kinh tế” – ông London viết.

BBC dẫn nhận xét của Giáo sư Alexander L Vuving, tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), nói rằng, Tô Lâm sẽ tiếp tục “đốt lò”, nếu việc này trao cho ông một công cụ chính trị uy quyền hơn.

“Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình.”

 

Thu Phương – thoibao.de