Ngày 17/8, BBC Tiếng Việt cho hay “Ông Tô Lâm thăm Trung Quốc: tăng cường kết nối đường sắt”.
Theo đó, các quan chức cho biết, kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi Tô Tổng tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, từ ngày 18 đến 20/8.
BBC cho biết, các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc và Việt Nam hiện được kết nối bằng 2 tuyến đường sắt, từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội – cũng là trung tâm công nghiệp phía bắc của Việt Nam.
Nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có từ thời Pháp thuộc, và có khổ đường ray khác với đường sắt cao tốc của Trung Quốc, nên buộc hành khách cũng như hàng hóa phải đổi tàu.
BBC trích dẫn nguồn tin quốc tế, nhận định, sự thiếu tin cậy giữa 2 nhà nước Cộng sản, từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt. Nhưng trong thời gian gần đây, cân nhắc về kinh tế dường như đã vượt lên lo ngại về an ninh.
Vào tháng 12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất các khoản trợ cấp và cho vay, để giúp nâng cấp các tuyến đường sắt của Việt Nam, và 2 nước đã ký 2 bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác đường sắt.
BBC dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong một lần trả lời phỏng vấn, cho biết, trọng tâm chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm, là thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, và “đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm, như kết nối đường sắt”.
BBC dẫn truyền thông trong nước, theo đó, ông Hùng Ba – Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, cho biết, 2 bên đang đẩy nhanh kế hoạch cho 3 dự án: nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, từ Lào Cai đến Hải Phòng qua Hà Nội; từ Lạng Sơn đến Hà Nội; và xây dựng một tuyến thứ 3, dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.
Một quan chức Việt Nam cũng cho biết, các thỏa thuận mới dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến đường sắt, các khoản đầu tư khác và thương mại nông sản.
Vẫn theo truyền thông Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi hỗ trợ tài chính, và công nghệ từ Bắc Kinh cho đường sắt Việt Nam, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6/2024 – đây dường như là một sự thay đổi chiến thuật đáng kể.
BBC cũng cho biết, các lãnh đạo cao cấp Việt Nam, trong nhiều năm, vẫn lập lờ về việc sử dụng quỹ của Sáng kiến “Vành đai – Con đường”, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam vào năm 2018.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn được đầu tư tư nhân của Trung Quốc vào Việt Nam, vốn đang bùng nổ.
Theo BBC, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất, và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trung Quốc – với tham vọng trở thành siêu cường đứng đầu thế giới, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu, và muốn gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực, thông qua đầu tư, triển khai Sáng kiến “Vành đai – Con đường”.
Trong khi đó, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh, trong lúc cân bằng quan hệ Mỹ – Trung, nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống với Nga.
Vẫn theo BBC, về đường sắt, một trong những công trình nổi bật của Trung Quốc tại Đông Nam Á là tuyến đường sắt cao tốc từ biên giới Lào – Trung, tới thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Mới đây, Thái Lan cũng đã triển khai một tuyến tàu nối thủ đô Bangkok với Viêng Chăn, tạo thành một tuyến đường sắt khá thông suốt, từ Singapore, bán đảo Mã Lai, lên Thái Lan, Lào và đến Trung Quốc.
Minh Vũ – thoibao.de