Ngày 21/9, VOA Tiếng Việt cho hay “VinFast lỗ ròng hơn 773 triệu USD trong quý 2, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2023”.
VOA cho biết, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast, được công bố trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, hôm 20/9, hãng này đã lỗ ròng gần 19 nghìn tỷ đồng, tương đương 773,5 triệu đô la, trong quý 2 năm nay, tăng 27,3% so với quý 1 và tăng 39,7% so với quý 2 của năm ngoái.
VOA dẫn báo cáo tài chính, cho thấy, lỗ ròng của VinFast trở nên lớn hơn, vì hãng đã chi tiêu thêm cho việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài, cũng như, do giá trị tài sản bị suy giảm.
Chi phí bán hàng và hành chính trong quý 2 là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, tức khoảng hơn 158 triệu đô la, tăng 25,5% từ mức của quý 1, chủ yếu do hãng tốn nhiều chi phí bán hàng và marketing, hơn là kết quả của tình trạng suy giảm giá trị tài sản.
Lỗ gộp của VinFast trong quý 2 là hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, khoảng hơn 224 triệu đô la, tăng 42% từ quý 1, và hơn 61% từ mức của 1 năm trước.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của hãng trong quý 2 là âm 62,7%, thể hiện sự đi xuống so với con số âm 58,7% của quý 1, và âm 42,5% của quý 2 năm 2023. Nguyên nhân chính là hãng chấp nhận rằng, hàng tồn kho bị giảm giá trị 104 triệu đô la trên sổ sách, so với mức 5 triệu đô la trong quý 1.
VOA cũng cho biết, theo bản báo cáo này, các mức lỗ và chi phí gia tăng nêu trên, xảy ra cùng lúc hãng này đẩy mạnh việc bàn giao xe, với hơn 13 nghìn xe hơi điện được giao trong quý 2, tăng 44% so với quý 1 và 43% so với quý 2 năm ngoái.
51% trong số hơn 13 nghìn xe kể trên đã được giao cho các bên có liên quan đến chính VinFast.
Theo VOA, trong nửa đầu năm nay, hãng đã giao hơn 22 nghìn xe cho các khách hàng và đối tác. Hãng đặt ra mục tiêu sẽ giao tổng cộng 80 nghìn xe hơi điện trong cả năm. Như vậy, để được coi là thành công, hãng sẽ phải giao gần 58 nghìn xe trong nửa còn lại của năm.
Vẫn theo báo cáo của VinFast, đến ngày 30/6, tổng tài sản của hãng là hơn 6,12 tỷ đô la, trong khi, nợ ngắn hạn là hơn 6,7 tỷ đô la, nợ dài hạn là hơn 2,8 tỷ đô la và lỗ ròng là hơn 1,38 tỷ đô la.
Bên cạnh đó, mới đây, trang tin mạng Vietnamthoibao dẫn một tuyên bố của VinFast qua email, cho biết, thị trường nội địa Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu trong những tháng còn lại của năm 2024.
Vietnamthoibao cũng dẫn lời Chủ tịch Lê Thị Thu Thủy, cho biết:
“Chúng tôi vẫn là một công ty khởi nghiệp và chúng tôi vẫn dự đoán sẽ lỗ trong vài quý tới.”
“Khoản lỗ trong quý 2 chủ yếu là do suy giảm giá trị tài sản.”
Vietnamthoibao cho hay, VinFast vẫn đang tìm cách khẳng định mình là một thương hiệu toàn cầu, với kế hoạch bán xe tại 50 thị trường nước ngoài. Trong khi, ngành xe điện toàn cầu đang suy thoái, đã khiến các hãng xe lớn phải hạ thấp tham vọng về xe điện.
Vietnamthoibao nhắc lại, vào tháng 6 vừa qua, một hãng tin quốc tế đã dẫn lời tỷ phú Phạm Nhật Vượng, cho biết, ông sẵn sàng đặt cược toàn bộ tiền của mình vào sự tăng trưởng của VinFast.
Vietnamthoibao cũng dẫn lời người đại diện của công ty này, cho biết:
“Trong khi các thị trường quốc tế tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn, chúng vẫn là một phần không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của VinFast, khi công ty mở rộng mạng lưới phân phối và băng tần toàn cầu của mình.”
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – ông chủ của VinFast, cùng với những lãnh đạo khác của Công ty này, vẫn luôn tỏ ra tin tưởng và lạc quan thái quá, bất chấp thực tế là từ khi hoạt động đến nay, VinFast chỉ có lỗ, lỗ, và lỗ. Ngoài thua lỗ, họ còn bị rất nhiều tai tiếng, kể cả ở thị trường Việt Nam và quốc tế.
Xuân Hưng – thoibao.de