Liệu Hoa Kỳ sẽ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, như hy vọng của Tô Lâm không?

Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 24/09 đưa tin, trong chuyến đi làm việc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79 tại New York, Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công ty của Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký nhiều thỏa thuận về công nghệ và năng lượng.

Nhân sự kiện này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu rằng, ông hy vọng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Trước đó, tại Đại học Columbia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhìn nhận, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những cái nhìn khác biệt về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo.

Tuy nhiên theo giới quan sát quốc tế, yếu tố ý thức hệ là một trong những nguyên nhân chính đằng sau việc Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, Hà Nội và Bắc Kinh luôn đồng thuận trong việc phải duy trì ổn định chính trị ở mỗi nước. Bắc Kinh cũng sẽ không hài lòng, nếu như mối quan hệ Việt – Mỹ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Theo một số ý kiến, trong giới chức lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, chiếm số đông trong Đảng vẫn nghi ngờ mục tiêu thực sự của Mỹ. Họ đã không loại trừ khả năng, người Mỹ đứng đằng sau cái gọi là “cách mạng màu”, để lật đổ chế độ Cộng sản ở Việt Nam hiện nay.

Việc quân đội Việt Nam mới đây cáo buộc trường Đại học Fulbright Việt Nam – một biểu tượng của sự hợp tác Việt – Mỹ, đang thực hiện một âm mưu  “cách mạng màu” là một ví dụ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đã khiến cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đầu tháng 8/2024, tiếp tục xếp Việt Nam vào nền kinh tế phi thị trường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này được cho là, hết sức nỗ lực để giải quyết dứt điểm vấn đề nan giải này.

Trong khi ban lãnh đạo Hà Nội về mặt danh nghĩa vẫn khẳng định, Việt Nam đang duy trì một nền kinh tế thị trường “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”; thì Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ, chi phối các doanh nghiệp nhà nước, mà Việt Nam Airlines là một ví dụ điển hình. Theo tiêu chuẩn quy định, phương Tây và Hoa Kỳ sẽ không thừa nhận sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế. Vì điều đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần đề nghị, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, với mục đích hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi của tổ chức Thương Mại Thế giới WTO. Nhưng dứt khoát Hoa Kỳ và các nước phương Tây không thừa nhận.

Nếu như Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ được giảm thuế chống bán phá giá. So sánh giữa Thái Lan một quốc gia có nền kinh tế thị trường, với mức thuế áp vào tôm đông lạnh của Thái Lan chỉ là 5.34%, trong khi cũng với mặt hàng này, Việt Nam đang phải chịu thuế suất gấp hơn 4 lần – ở mức lên tới 25.76%.

Trước đây đã lâu, trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội ngày 10/9/2023, hai nước đã cam kết Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật của Hoa Kỳ.

Ngay sau đó, tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Hoa Kỳ đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường”. Việt Nam được phía Mỹ hứa hẹn sẽ xem xét. Nhưng rốt cuộc Mỹ đã không công nhận hồi tháng 8 vừa qua.

Tóm lại, theo các nhận định đây là vấn đề khó khăn không chỉ riêng với nhà nước Việt Nam, mà cũng là một thách thức đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Với lý do, phía Mỹ đang nỗ lực lôi kéo Việt Nam, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 đã cận kề.

 

Trà My – Thoibao.de