Ngày 25/9, tác giả Ruchir Sharma có bài bình luận về việc làm giàu ở Trung Quốc, đăng trên báo Financial Times. Dịch giả Cù Tuấn đã dịch bài viết này và đăng trên trang báo Tiếng Dân, với tựa đề “Làm giàu ở Trung Quốc không còn là vinh quang, mà đã trở thành nguy hiểm”.
Tác giả đề cập đến việc, nhà sáng lập Công ty thương mại điện tử PDD Colin Huang, đã vươn lên trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào tháng trước.
Nhưng ngay sau đó, PDD đã đưa ra dự báo lợi nhuận ảm đạm, khiến cổ phiếu lao dốc. Huang đã nhường vị trí dẫn đầu cho Zhong Shanshan, nhà sáng lập của Công ty đồ uống khổng lồ Nongfu Spring. Trong vòng 24 giờ, Nongfu Spring cũng đã đưa ra các báo cáo triển vọng bất ngờ gây chán nản, và Zhong cũng nhanh chóng tụt khỏi vị trí đầu tiên trong danh sách những người giàu có nhất.
Theo tác giả, mạng xã hội Trung Quốc bàn tán về việc, liệu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đang cố tình hạ giá cổ phiếu của chính công ty của họ, nhằm tránh cuộc đàn áp ngày càng lan rộng đối với tình trạng giàu có quá mức, vốn là trọng tâm trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình.
Tác giả dẫn một nhà môi giới Phố Wall, viết rằng, “không ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc”, vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn, theo kiểu Xã hội Chủ nghĩa.
Tác giả nhắc lại sự thay đổi ở Trung Quốc, sau khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo tối cao vào cuối thập niên 1970. Lúc này, làm giàu sẽ là “vinh quang” theo chủ nghĩa tư bản của Đặng.
Tác giả lưu ý, làm giàu là vinh quang – nhưng không nên quá giàu, với một giới hạn bất thành văn là: Tài sản không được lớn hơn 10 tỷ đô la.
Tác giả cũng đề cập đến việc, 2 nhà tài phiệt có giá trị tài sản ròng tiếp cận ngưỡng 10 tỷ đô la đã phải vào tù vì tội tham nhũng, vào đầu thập niên 2010. Điều đó không có nghĩa là những cáo buộc này là vô căn cứ, chỉ là, việc lựa chọn mục tiêu dường như phản ánh xu hướng cân bằng dai dẳng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Vẫn theo tác giả, Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, và đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng, lan rộng đến tầng lớp tinh hoa, nhưng lĩnh vực công nghệ vẫn được an toàn.
Trong nhiều năm, nhiều doanh nhân Trung Quốc, nhất là những người trong lĩnh vực công nghệ, đã xây dựng được khối tài sản lớn hơn 10 tỷ đô la, dẫn đầu là Jack Ma của Alibaba.
Tuy nhiên, tác giả cho biết, mọi thứ đã thay đổi vào năm 2020, khi Trung Quốc có số tỷ phú gấp đôi Hoa Kỳ. Vào cuối năm đó, Jack Ma đã có bài phát biểu, cảnh báo rằng, việc quản lý chặt quá mức đang đe dọa, làm chậm quá trình đổi mới công nghệ, và các ngân hàng Trung Quốc phải chịu đựng “tư duy cầm đồ”.
Sự trả đũa của nhà nước diễn ra nhanh chóng. Giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc không phanh. Jack Ma tụt hạng trong danh sách những người giàu có và biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.
Tác giả cũng cho biết, đầu năm sau, Tập Cận Bình phát động chiến dịch thịnh vượng chung, và cuộc đàn áp nhắm đến bất kỳ công ty nào bị coi là không phù hợp với các giá trị bình đẳng của Trung Quốc.
Lúc này, việc trở nên quá giàu có là điều nguy hiểm. Áp lực đã làm các quỹ đầu tư mạo hiểm phải chùn tay. Số lượng triệu phú rời khỏi Trung Quốc đã tăng lên và đạt đỉnh vào năm ngoái, ở mức 15.000 người — vượt xa số người di cư khỏi bất kỳ quốc gia nào khác.
Tác giả tiếp tục cho hay, kinh tế tư nhân đang ở giai đoạn thoái trào. Kể từ năm 2021, thị trường chứng khoán Trung Quốc trượt dốc, nhưng các công ty nhà nước đã tăng thị phần vốn hóa thị trường, lên gần 50 phần trăm.
Tài sản thuộc về cá nhân đã giảm mạnh trong 3 năm qua; số lượng tỷ phú giảm 35%.
Tác giả nhận xét, những người siêu giàu Trung Quốc ngày càng chọn cách ở ẩn. Trở thành ông trùm giàu nhất nước Mỹ, bạn có thể khởi động chương trình du hành không gian của riêng mình. Ở Ấn Độ, bạn có thể tổ chức đám cưới tốn kém hàng tỷ đô la cho con mình. Ở Trung Quốc, bạn phải tìm cách để tự đánh mất danh hiệu người giàu nhất này — và tránh né lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu bạn.
Ý Nhi – thoibao.de