Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm lại cho Tập Cận Bình một vố đau

Sau khi kết thúc chuyến công du Tây Bán Cầu, đến Mỹ và thăm chính thức Cuba, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lại tiếp tục các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, đến Mông cổ, Ireland và Pháp.

Điều này liệu có liên quan đến một thông tin hết sức đáng chú ý, đó là, mới đây, truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Chính trị đã quyết định đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Ngày 2/10, báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Độc lập và tự chủ”. Bản tin dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, cho biết, Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định, dự án nói trên không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ bị ràng buộc.

Theo phương án được tư vấn, nghiên cứu và đề xuất, dự án kể trên được thiết kế với tốc độ 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km; với hệ thống đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Sài Gòn.

Với tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, kế hoạch trên đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về chủ trương. Chính phủ Việt Nam sẽ có phương án để huy động nguồn vốn trong nước, và tùy theo khả năng cân đối, có thể phát hành trái phiếu. Trong trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc, và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Giới quan sát đã đánh giá cao quyết định vừa kể của Ban lãnh đạo Việt Nam.

Theo học giả Trương Nhân Tuấn, từ Pháp, công nghệ Đường sắt Cao tốc bây giờ không còn là “bảo bối” của bất kỳ quốc gia nào. Trong 3 nước – Pháp, Đức và Nhật, Việt Nam có thể chọn “thầy” nào cũng được, miễn là ông thầy đó tận tâm, không tham lam tăng giá, và đặc biệt, không giấu nghề như Trung Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì cho rằng, về xây dựng Đường sắt cao tốc, thì Trung Quốc là quốc gia đứng số 1, làm nhanh nhất, rẻ nhất. Nhưng đó là người Trung Quốc làm cho người Trung Quốc. Còn người Trung Quốc làm cho nước ngoài, giá thành sẽ bị đẩy lên, có thể tăng gấp 2, 3, hoặc 4, 5 lần. Thời gian thi công cũng bị kéo dài, như trường hợp tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Hệ thống Đường sắt cao tốc của Pháp, viết tắt là TGV, sử dụng động cơ điện và hệ thống điện cao áp, đạt được vận tốc tối đa tới 350 km/h, có thể là một trong những lựa chọn. Trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Tô Lâm đến Pháp lần này, người ta hy vọng, Việt – Pháp có thể ký một biên bản ghi nhớ về dự án này.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dự án nói trên, tổng mức đầu tư 67 tỷ USD là tương đối cao, so với mặt bằng thế giới. Và giá thành đường cao tốc lệ thuộc vào giá bất động sản, và nguy cơ “điều chỉnh” giá là điều rất có thể xảy ra.

Học giả Trương Nhân Tuấn cho biết:

Trước khi chốt dự án, cần phải thanh trừng đám tài phiệt bất động sản đi trước đón đầu, thổi giá đất lên cao. Cũng như, cần thanh trừng đám quan tham ăn chia với giới tài phiệt để thổi giá đất”.

Vì nếu để nợ quá lớn, giá vé sẽ tăng cao, dự án dễ dàng bị phá sản.

Ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp – Công nghệ Thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long, về hợp tác trong lĩnh vực giao thông. Phía Việt Nam vẫn đề nghị Trung Quốc thúc đẩy, tăng cường hợp tác đường sắt đô thị, đường sắt Bắc – Nam, và thúc đẩy triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc.

Việc Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất và quyết định chủ trương, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không phụ thuộc vào nước ngoài, được cho là một đòn đau của ông Tô Lâm, dành cho “bạn vàng” Tập Cận Bình.

 

Trà My – Thoibao.de