Những nỗ lực của Tập Cận Bình có thể cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu hay không?

Ngày 4/10, BBC Tiếng Việt đăng bình luận “Khi Trung Quốc bước sang tuổi 75, liệu Tập Cận Bình có thể sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu?”

BBC cho biết, khi Trung Quốc bước vào Tuần lễ Vàng (từ ngày 1/10), và kỷ niệm 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản cầm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu.

Các kế hoạch bao gồm hỗ trợ cho ngành bất động sản đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, hỗ trợ thị trường chứng khoán, phát tiền mặt cho người nghèo, và tăng chi tiêu của Chính phủ.

Theo BBC, cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã ghi nhận mức tăng kỷ lục, sau các thông báo trên. Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, những chính sách này có thể không đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

BBC nhận xét, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 75 năm thành lập, có nghĩa là, nhà nước này đã tồn tại lâu hơn Liên Xô – vốn đã sụp đổ sau 74 năm, kể từ khi thành lập.

BBC dẫn chia sẻ của Phó Giáo sư Alfred Wu, tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng: “Tránh số phận của Liên Xô, từ lâu đã là mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”.

Điều quan trọng nhất trong tâm trí các quan chức, là thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng, rằng, nền kinh tế có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm 5%.

BBC dẫn bình luận của Giáo sư Yuen Yuen Ang, từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho rằng:

“Ở Trung Quốc, các mục tiêu phải được đáp ứng, bằng mọi cách cần thiết. Các nhà lãnh đạo lo ngại rằng việc không đạt được các mục tiêu này vào năm 2024 sẽ khiến tình trạng tăng trưởng chậm và lòng tin ngày càng lung lay trầm trọng hơn.”

BBC cho hay, một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế Trung Quốc, là sự suy thoái của thị trường bất động sản trong nước, vốn bắt đầu từ 3 năm trước.

Có sự hoài nghi đối với các chính sách nhằm vực dậy ngành bất động sản, như tăng cho vay, cắt giảm lãi suất… đặt nghi vấn rằng, những động thái như vậy, liệu có đủ để vực dậy thị trường nhà ở.

BBC dẫn nhận định của Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics:

“Những biện pháp đó được hoan nghênh nhưng không có khả năng thay đổi nhiều, nếu chỉ thực hiện một cách đơn lẻ.”

“Điểm yếu của Trung Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, không phải khủng hoảng tín dụng; các công ty và gia đình không muốn vay, bất kể việc vay có rẻ đến mức nào.”

Tuy nhiên, vẫn theo BBC, ngoài việc đặt ra các ưu tiên như ổn định thị trường bất động sản, hỗ trợ tiêu dùng và thúc đẩy việc làm, các quan chức Trung Quốc đưa ra rất ít thông tin chi tiết, về quy mô và phạm vi chi tiêu của Chính phủ.

BBC dẫn cảnh báo của bà Qian Wang, chuyên gia kinh tế của Công ty tư vấn đầu tư Vanguard:

“Nếu gói kích thích tài khóa không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, các nhà đầu tư có thể sẽ thất vọng. Ngoài ra, gói kích thích chính sách theo chu kỳ không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc.”

Bà Wang lưu ý, nếu không có những cải cách sâu rộng hơn, các vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, sẽ không biến mất.

BBC cũng cho biết, vào ngày kỷ niệm 75 năm thành lập nhà nước, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo, với một giọng điệu lạc quan, thừa nhận rằng “mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng tương lai thì đầy hứa hẹn”.

Theo bà Ang, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là “nền kinh tế cũ và mới đan xen sâu sắc với nhau; nếu nền kinh tế cũ suy thoái quá nhanh, chắc chắn sẽ cản trở sự trỗi dậy của nền kinh tế mới”.

“Đây là điều mà giới lãnh đạo đã nhận ra và đang tìm cách giải quyết.”

 

Minh Vũ – thoibao.de