Ngày 27/10, BBC Tiếng Việt nhận định “Radar trên đảo Tri Tôn: Trung Quốc có thể do thám miền Trung Việt Nam và xa hơn?”
BBC dẫn Viện Nghiên cứu Chatham House của Anh, ngày 17/10, theo đó, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ giúp lấp đầy khoảng trống do thám không phận, giữa đá Xu Bi và đảo Hải Nam.
BBC dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu Gregory B Poling, từ Mỹ, cho rằng, Trung Quốc “ngày càng áp đảo về năng lực radar” trên Biển Đông, và là “quốc gia duy nhất có thể giám sát hầu hết những chuyển động trên biển hoặc trên không, ở Biển Đông”.
BBC dẫn bình luận của Tiến sĩ Benjamin J. Sacks, từ Mỹ, nói rằng, SIAR có thể phát hiện được máy bay và các thiết bị tàng hình, và có thể có sức mạnh “răn đe đáng kể”.
“Hệ thống SIAR có thể cho phép Trung Quốc tạo một hàng rào, bao bọc ranh giới yêu sách đường 10 đoạn trên Biển Đông, một yêu sách rộng lớn điên rồ và thiếu căn cứ, xâm phạm UNCLOS và các luật quốc tế liên quan.”
BBC cho biết, theo Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thì SIAR phát ra “một lượng năng lượng tương đối lớn”, có thể gây nhiễu cho hệ thống điện tử hàng không, dẫn đường và thông tin liên lạc của máy bay, cả quân sự và dân dụng.
BBC dẫn nhận định của Tiến sĩ Collin Koh, từ Singapore, cho rằng, hệ thống SIAR được thiết kế để chống lại các phương tiện tàng hình của Mỹ. Ông nói:
“Mạng lưới radar này cho thấy chênh lệch sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, so với các đối thủ trên Biển Đông, chẳng hạn Việt Nam. Giờ đây, vấn đề không chỉ là việc Quân đội Trung Quốc tăng cường trang thiết bị quân sự, mà còn là khả năng tự động hóa chỉ huy, đóng vai trò tối quan trọng khi xảy ra xung đột, đặc biệt là về mặt phát hiện, theo dõi và định vị mục tiêu cho khả năng tấn công tầm xa.”
“Cần nhắc lại rằng, khi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, vào tháng 8/2022, máy bay của bà đã cố tình đi theo một hành trình vòng vèo, tránh xa Biển Đông.”
“Điều này cho thấy mối quan ngại của Washington, về khả năng giám sát và theo dõi của Trung Quốc trong khu vực, bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc chạm trán trên không có thể bất ngờ xảy ra”, Tiến sĩ Collin Koh nói thêm.
BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Mỹ, cho rằng:
“Tác động lớn nhất là việc Trung Quốc có khả năng phát hiện các động thái của Việt Nam, trong một phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm toàn bộ miền Trung Việt Nam.”
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cũng nhắc đến khả năng, hệ thống SIAR trên đảo Tri Tôn sẽ tạo một “chướng ngại đa miền” đối với Việt Nam; có thể được dùng để can thiệp hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc quân sự và dân sự của Việt Nam; và thu thập thông tin tình báo, gây cản trở quá trình quá cảnh an toàn của các quốc gia khác, giữa Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là cảng Đà Nẵng.
Sự xâm lấn rộng hơn của Trung Quốc, có thể khiến phương tiện của các quốc gia khác đối mặt với nhiều rủi ro, khi đi qua vùng biển giữa Việt Nam và Hoàng Sa.
Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá, Trung Quốc có thể sẽ thử nghiệm chiến thuật mới trên Biển Đông, “vẫn tiếp tục các hoạt động thăm dò dầu khí và dùng các hoạt động này để khẳng định chủ quyền, theo “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông”, nhưng họ sẽ không lặp lại “vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014”.
Xét sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc so với Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Collin Koh cho rằng, hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn cũng có điểm yếu, đó là dễ lộ sơ hở, dễ bị tấn công, và hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công tầm xa của Hà Nội.
Xuân Hưng – thoibao.de