Mới đây, trong chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và bang Mecklenburg-Vorpommern (MV) của Đức đã ký kết một ý định thư, bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và trao đổi điều dưỡng viên.
Ông Horst Klinkmann, Cố vấn ngành y tế Nordost cho biết, từ ba năm nay, hai bên đã nỗ lực muốn có một Hiệp định về dạy nghề kép với trọng tâm là các ngành y tế và chăm sóc người già. Giờ đây, hai bên đã quyết định bắt đầu ngay với việc thực hiện kế hoạch này. Có thể cuối năm 2017, nhưng chắc chắn là năm 2018 sẽ có những người Việt Nam đầu tiên sang MV. Ông Klinkmann cho rằng trước mắt sẽ có 50 người Việt Nam học cấp tốc tiếng Đức ở Viện Goethe để sang trong chuyến đầu tiên.
Ông Klinkman, nguyên là Giáo sư Y học cho biết, thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Đức thiếu nhân lực chuyên môn và xã hội lão hóa mà ngành y tế cũng như nhiều ngành khác ngày càng cảm thấy rõ hơn. Mọi biện pháp cho tới nay nhằm bù đắp sự thiếu hụt này bằng người Đức đều không đủ. Ở Việt Nam đang có xu hướng trái ngược. Mặc dù sự gia tăng dân số chững lại, nhưng vẫn không đáp ứng đủ khả năng đào tạo nghề cho mọi người.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết, nước Đức đang phải đối mặt với sự chuyển biến dân số và có nhu cầu lớn về nhân lực cho ngành điều dưỡng chăm sóc người già. Lực lượng lao động Việt Nam trẻ và chăm chỉ, có thể đáp ứng phần nào nhu cầu này. Bản ý định thư này là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác tương lai trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng này.
Theo ông Klinkmann, mục tiêu của thỏa thuận này là Việt Nam nhận được sự giúp đỡ trong việc xây dựng một hệ thống dạy nghề kép theo mô hình Đức. Thỏa thuận này sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng kế hoạch này sẽ thành công, vì về phía MV có nhiều tổ chức tham gia, trong đó có tổ chức Chữ Thập Đỏ Đức, trường Đại học Greifswald, các trường đại học chuyên ngành, nhiều bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng…
Ông Klinkmann nhấn mạnh, có một lợi thế lớn là sự hội nhập người Việt ở Đông Đức rất thành công. Nhiều người Việt sau khi học ở CHDC Đức trước đây đã về nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển ở Việt Nam.
Ông Werner Kohn, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, Giám đốc Chữ Thập Đỏ của bang MV cho rằng dự án này sẽ là một sự hợp tác lâu dài. Về lâu dài, Đức cần tới nhiều điều dưỡng viên. Trước mắt, người Việt Nam có thể bắt đầu với tư cách là nhân viên phụ trợ và sau đó, thông qua trung tâm đào tạo ở Teterow để bồi dưỡng thêm những kiến thức cần thiết. Điều này cũng có thể áp dụng đối với ngành nhà hàng, khách sạn. Đây sẽ là một dự án thí điểm trong lĩnh vực y tế để làm mô hình cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Văn Long – Thoibao.de (Theo báo Nordkurier)