Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hơn 22 công dân Đức trong một năm qua và hiện nay vẫn còn giam giữ 9 người, trong đó có nhà báo Deniz Yücel và nhà hoạt động vì nhân quyền Peter Steudtner, Chính phủ CHLB Đức đã quyết định điều chỉnh lại chính sách với Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng siết chặt lại để trừng phạt về kinh tế đối với nước này.
Ngày 20/7/2017, sau khi trao đổi ý kiến với Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch CDU và ông Martin Schulz, Chủ tịch SPD, Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel đã công bố ba biện pháp cụ thể của Chính phủ Đức nhằm gây sức ép với chính quyền Ankara, liên quan tới đầu tư, du lịch và tiền viện trợ từ Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel cho biết, trong những tuần lễ qua, Chính phủ Đức luôn tìm cách khởi động lại các cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rời bỏ nền tảng giá trị chung của châu Âu. Vì vậy, Chính phủ Đức đã đưa ra ba biện pháp sau:
Thứ nhất là xem xét lại bảo đảm Hermes của Chính phủ Đức dành cho đầu tư nước ngoài, bởi vì người ta không thể khuyên ai đó đầu tư vào một nước mà ở đó không có an toàn về luật pháp và người nước ngoài không được ưa có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Có nghĩa là Chính phủ Đức không khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai là người ta sẽ trao đổi trong EU về việc ngừng viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ cho việc chuẩn bị có thể gia nhập EU. EU đã thỏa thuận viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 4,45 tỉ Euro cho thời gian từ 2014 -2020.
Thứ ba là Bộ Ngoại giao cập nhật những lưu ý về an ninh trong việc du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó kêu gọi những người sang Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do kinh doanh hay việc riêng nên thận trọng và ghi tên vào danh sách người Đức ở nước ngoài tại Lãnh sự quán và Đại sứ quán. Bởi vì khi công dân Đức bị bắt, cơ quan đại diện nước ngoài không phải lúc nào cũng được thông báo kịp thời và không phải trường hợp nào cũng được bảo hộ lãnh sự cho công dân. Mặc dù biện pháp này chưa phải là mức cao nhất như „Cảnh báo du lịch“ trong trường hợp có thể nguy hiểm tới tính mạng hoặc an toàn thân thể của du khách, nhưng chắc chắn sẽ làm nhiều du khách lo ngại và hạn chế tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo chí Đức, nhiều chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ công dân Đức để làm con tin. Báo „Bild“ dẫn một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Đức cho biết, cách đây mấy tuần, Tổng thống Erdogan đã đưa ra đề nghị trao đổi nhà báo Deniz Yücel lấy hai cựu tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã chạy sang Đức xin tị nạn sau cuộc đảo chính thất bại. Tuy nhiên, đề nghị trao đổi này đã bị phía Đức thẳng thừng bác bỏ.
Trước quyết định của Chính phủ Đức không khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, đài truyền hình NTV và N24 đã quyết định dừng phát quảng cáo, coi Thổ Nhĩ Kỳ là một địa điểm kinh tế hấp dẫn, bất chấp việc sẽ mất đi một khoản thu không nhỏ từ quảng cáo. Quảng cáo này dài nên chắc chắn khá nhiều tiền, được phát từ giữa tháng 6/2017.
Nhân dịp này, Chủ tịch Cơ quan bảo về Hiến pháp Đức Maaßen cũng lên tiếng cảnh báo cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động, đe dọa những người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức phản đối Tổng thống Erdogan. Ông cho rằng cần phải coi đây là vấn đề nghiêm trọng, vì cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động ngoài khuôn khổ luật pháp Đức.
Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)