Việc cấm lãnh đạo nhân quyền quốc tế nhập cảnh Việt Nam đã tác động đến tận châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU) đã đàm phán xong với Việt Nam hiện đang chờ Quốc hội châu Âu phê chuẩn. “Đương nhiên, việc bắt giữ bà Debbie Stothard đã chứng minh một lần nữa rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn không thể chấp nhận được”, nữ Chủ tịch Khối đảng Xanh tại Quốc hội châu Âu Ska Keller nói với tờ TAZ. “Một vấn đề quan trọng là không có đánh giá tác động nhân quyền nào được thực hiện cho Hiệp định Thương mại Tự do này. Ngay cả Thanh tra viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kết luận rằng sự thiếu sót này thể hiện một tình trạng xấu”.
Ngay trước khi khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN, được tổ chức tại Hà Nội từ 11-13/9/2018, nhà nước Việt Nam đã từ chối không cho lãnh đạo hàng đầu của hai tổ chức nhân quyền quốc tế nhập cảnh để tham dự Diễn đàn này.
Hôm 9/9/2018 bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH), bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam và bị giam giữ tại sân bay Nội bài cho đến khi bị trục xuất.
Hôm sau ngày 10/9/2018 ông Minar Pimple, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), cũng bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam, mặc dù trong chương trình ông Pimple sẽ có một bài thuyết trình về sự đa dạng và đa nguyên. Ban tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã liên lạc với chính phủ Việt Nam và được trả lời rằng visa của ông Pimple đã bị liệt vào danh sách cần phải từ chối.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia – Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018. Theo báo chí trong nước thì đây là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.
Phản ứng quốc tế
Cả hai tổ chức đều lên án việc từ chối nhập cảnh. Trong một thông cáo báo chí, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) viết “đây là minh chứng của chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam do chính phủ nước này thực hiện”.
Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế (AI), ông Kumi Naidoo tuyên bố, “Chúng tôi phản đối quyết định này bởi nó nhằm bóp nghẹt tiếng nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới. Điều này xảy ra trong bối cảnh quyền tự do biểu đạt đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam”.
Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH), cho hay bà đã bị giam giữ suốt 13 tiếng đồng hồ tại sân bay Nội bài trước khi bị trục xuất về Kuala Lumpur. “Dù sao đi nữa sự bất tiện mà tôi đang phải chịu không là gì so với các cuộc tấn công vào báo chí và những nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam. Tôi đã hy vọng rằng việc tổ chức Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có uy tín sẽ giúp họ nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do là cần thiết cho sự phát triển kinh tế”, nhà hoạt động có tiếng trên thế giới người Malaysia cho hay.
Trả lời BBC, ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) bình luận rằng thông qua việc này, “bản chất đàn áp của chính quyền Việt Nam đã được phơi bày đầy đủ”. Và ông nhấn mạnh: “Liên minh châu Âu nên nói với Việt Nam rằng sẽ không có bước tiến nào trong việc phê chuẩn sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định thương mại tự do EU cho đến khi Hà Nội chấm dứt làn sóng đàn áp này và cải thiện đáng kể hồ sơ nhân quyền của mình“.
Ảnh hưởng xấu đến Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam
Việc cấm lãnh đạo nhân quyền quốc tế nhập cảnh Việt Nam đã tác động đến tận châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU) đã đàm phán xong với Việt Nam hiện đang chờ Quốc hội châu Âu phê chuẩn. Theo thông tin từ Khối các đảng Xanh châu Âu, việc phê chuẩn này dự trù sẽ diễn ra trong nửa cuối năm tới (2019), tức là sau cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu.
“Đương nhiên, việc bắt giữ bà Debbie Stothard đã chứng minh một lần nữa rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn không thể chấp nhận được“, nữ Chủ tịch Khối đảng Xanh tại Quốc hội châu Âu Ska Keller nói với tờ TAZ. “Một vấn đề quan trọng là không có đánh giá tác động nhân quyền nào được thực hiện cho Hiệp định Thương mại Tự do này. Ngay cả Thanh tra viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kết luận rằng sự thiếu sót này thể hiện một tình trạng xấu“.
Tổ chức nhân quyền VETO! có trụ sở tại bang Hessen – Đức đã thực hiện một đánh giá tác động như vậy. Nó kết luận rằng Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp về thu hồi đất ở Việt Nam, “vì nhà nước Việt Nam sử dụng đất như một phần vốn góp cho các dự án đầu tư, nên hàng trăm ngàn gia đình đã mất nhà cửa và đất đai của họ qua các dự án phát triển đô thị đáng ngờ và tham nhũng“.
Cũng chưa rõ liệu Việt Nam, trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do, có phải thực hiện tất cả các công ước cơ bản của tổ chức lao động quốc tế ILO nhằm bảo vệ các cơ hội bình đẳng trong thương mại tự do hay không. Ban đầu Liên minh châu Âu đã yêu cầu điều này, nhưng hiện nay hình như đã du di. Đó là 3 công ước của ILO mà Việt Nam chưa phê chuẩn: Công ước về quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây là những điểm nhạy cảm đối với Việt Nam.
Cuối cùng, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin đưa về Hà Nội cũng là một vấn đề làm cản trở Hiệp định Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)