Mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết ngày 30/6/2019 sắp tới, nhưng sau khi ký kết nó vẫn chưa thể có giá trị vì còn cần phải được Nghị viện EU phê chuẩn (bỏ phiếu thông qua).
Thông cáo báo chí phát chiều 25-6, Liên minh châu Âu (EU) cho biết Hội đồng bộ trưởng EU ngày 25-6 đã phê chuẩn hiệp định EVFTA và Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội vào ngày 30-6 tới.
Thông cáo này cũng nêu rõ các bước kế tiếp phải thực hiện sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, trích dịch nguyên văn:
“Sau khi được sự phê chuẩn của Hội đồng bộ trưởng EU, các thỏa thuận sẽ được EU và Việt Nam ký kết và sau đó sẽ trình lên Nghị viện châu Âu để được thông qua. Một khi Nghị viện châu Âu đã đồng ý, Hiệp định Thương mại này sẽ được Hội đồng bộ trưởng EU chính thức ký kết và có hiệu lực, trong khi hiệp định bảo vệ đầu tư trước tiên sẽ cần được các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục tương ứng của mỗi nước”.
Nghị viện châu Âu vừa mới được bầu xong vào cuối tháng 5, chưa sắp xếp xong việc tổ chức và nhiều việc ưu tiên khác cần làm hơn là thông qua hiệp định này. Sớm nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm tới Nghị viện EU mới có thể phê chuẩn hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, để thông qua Hiệp định này thì có hội đủ đa số phiếu tán thành của các dân biểu trong Nghị viện EU hay không? Đó cũng còn là 1 câu hỏi.
Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã bị trì hoãn từ năm 2015 cho đến nay. Một trong những lý do làm cản trở việc hoàn tất Hiệp định EVFTA là vấn đề tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Hồi tháng 9 năm ngoái 32 Dân biểu Quốc hội châu Âu đã ký tên một bức thư chung, cảnh báo Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam sẽ không được thông qua nếu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện.
Thông cáo báo chí nêu trên cũng nhấn mạnh, hiệp định EVFTA có những điều khoản bảo vệ môi trường, người lao động và nhân quyền, trích dịch nguyên văn:
“Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội kinh tế quan trọng, EU và Việt Nam đã đồng ý các biện pháp phát triển bền vững mạnh mẽ. Điều này bao gồm một cam kết thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris một cách hiệu quả. Trong hiệp định này cả hai bên cũng cam kết tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) liên quan đến các quyền của người lao động cơ bản. Gần đây, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ILO về thương lượng tập thể và đã thông báo cho EU về ý định phê chuẩn hai công ước ILO cơ bản còn lại vào năm 2023. Việt Nam cũng đang trong quá trình sửa đổi luật lao động của mình cho phù hợp. Hiệp định cũng thiết lập các nền tảng riêng biệt cho EU và Việt Nam để đưa xã hội dân sự tham gia vào việc thực hiện các cam kết trên.
Ngoài ra, hiệp định thương mại này bao gồm một sự ràng buộc pháp lý và mang tính thể chế với
Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, cho phép có những biện pháp thích ứng trong trường hợp vi phạm nhân quyền”.
Nói tóm lại, Hiệp định EVFTA ký xong để đó, chờ Nghị viện EU quyết định có thông qua hay không.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de
Nguồn: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/IP_19_3388