Những gì trực tiếp nghe và nhìn thấy ở Đồng Tâm sau bốn tuần diễn ra vụ bố ráp và tập kích hôm 09/01/2020 cho thấy một bức tranh ‘khác biệt’ với những gì báo chí chính thống và giới chức công an, chính quyền đưa ra mô tả và nhận định về sự kiện, một nhà hoạt động và quan sát về xã hội dân sự Việt Nam nói với BBC từ Hà Nội.
Không người dân nào được tiếp xúc cho chúng tôi biết được là họ nhìn thấy ba sỹ quan cảnh sát đã ‘thiệt mạng’ như thế nào và có thể chỉ có chính quyền và cảnh sát mới biết sự thực về cái chết của ba cảnh sát và công dân Lê Đình Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ý kiến này nói với BBC hôm 02/2, sau chuyến thăm một ngày trước đó.
“Chúng tôi có hỏi chuyện bà con là có ai nhìn thấy cảnh sát chết như thế nào không, thì không ai biết cái gì,” Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC News Tiếng Việt về chuyến đi mà ông và một nhóm có điều kiện thực hiện tới Đồng Tâm ngay sau Tết nguyên đán Canh Tý.
“Kể cả những người bị bắt, đến bây giờ thì họ (người nhà) cũng chưa được gặp, chỉ có thấy thông tin ở trên ti vi mà thôi.
“Về cái chết của cụ Kình, thì xem các vết đạn ở phòng của cụ, cũng như là các vết bắn vào trên trần, vào tường, vào tủ sắt của cụ đựng quần áo và tài liệu, thì có thể khẳng định là như vậy cụ ‘bị giết’ ở ngay tại phòng ngủ của cụ vào đêm hôm đó.
“Về các giả thuyết mà người ta nêu ra, thí dụ như là cảnh sát mắc vào điện cao thế rồi bị cháy, rồi người khác vào cứu rồi cũng lại bị cháy, cái đấy là có thể loại trừ hoàn toàn,” ông Nguyễn Quang A, người từng làm việc tại Viễn Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam trước đây, nêu quan điểm riêng của mình và giải thích thêm.
“Bởi vì ở xung quanh, ngay trên giếng trời mà có thể với tay hoặc cách xa 3-4 mét, thì không hề có những đường giây điện như vậy.
“Hoặc là nhìn xuống cái giếng trời ấy, thì nó cũng nông, chứ không phải là quá sâu và nó nhỏ, nó ở giữa nhà của anh Chức, con trai của cụ Kình và nhà ông Hợi, có một cửa sổ ở nhà ông Hợi, bây giờ được xây bít lại.
“Nhưng mà với một chỗ như thế thì khó lòng mà có thể có người nào mà rơi xuống đấy, và chúng tôi không thấy dấu hiệu gì của việc cháy, hoặc là dấu hiệu của đốt hay là cái gì đấy cả.”
Một số dấu vết còn lại tại hiện trường sau vụ tấn công, bố ráp ở nhà riêng ông Lê Đình Kình, hôm 09/01/2020, ở thôn Hoành, Đồng Tâm
Về tình hình của người dân ở Đồng Tâm, đặc biệt với các gia đình có người bị bắt, bị truy tố hay những người bị ảnh hưởng bởi cuộc bố ráp, tập kích hôm 09/01, Tiến sỹ Quang A nói:
“Thứ nhất là người dân vẫn còn lo lắng, nhất là thân nhân của khoảng hai chục người bị bắt, bây giờ người thân của họ ở đâu, tình trạng của họ như thế nào, luật sư có được tiếp cận hay không?
“Ở đấy, chúng tôi được người dân đưa cho một tập 9-10 cái đơn yêu cầu luật sư và chúng tôi cũng đã chuyển vào ban chiều cho các luật sư mà được người dân yêu cầu.
“Và người dân, thứ nhất là người thân của những người bị bắt thì bị ‘khống chế’, bị gọi lên cảnh sát, gọi lên để thẩm vấn liên tục, hết ngày này qua ngày khác.
“Và có rất nhiều người đang trong tình cảnh rất là khó khăn, các gia đình mà có con nhỏ, mà cả hai vợ chồng đều bị bắt, thì bây giờ các cháu phải sống với ông bà. Ông bà cũng ở trong tình trạng rất là bị sốc.
“Tôi nghĩ là những gia đình như thế cần được một sự hỗ trợ, an ủi, để cho họ có thể vượt qua được về mặt tâm lý, cũng như là những sự giúp đỡ về vật chất nhất định, để cho các cháu nhỏ, nhất là các cháu nhỏ có thể vượt qua được khó khăn rất là chồng chất bây giờ.”
Hôm 21/01, Tiến sỹ Quang A và một nhóm công dân đã chuyển đơn ‘tố giác tội phạm’ gây chết người ở Đồng Tâm trực tiếp đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội và qua đường bưu điện tới cơ quan điều tra của Công anh Thành phố.
Sau chuyến thăm viếng Đồng Tâm hôm 01/2, ông cho biết thêm: “Tùy theo trả lời của họ hay không trả lời của họ, thì chúng tôi sẽ có những bước tiếp theo!”
TS Nguyễn Quang A cho biết ông và những người đi cùng có đến viếng và thắp hương tại mộ ông Lê Đình Kình
Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm 02/2, đã xuất hiện trên mạng Internet và một số tạp chí, hay báo mạng độc lập với nhà nước và chính quyền Việt Nam, một thư ngỏ liên quan vụ Đồng Tâm gửi lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc.
Bức thư đề ngày 31/01 của nhóm nhân sỹ, trí thức từ Sài Gòn, gồm các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu và Tương Lai, có đoạn:
“Trước sự kiện gây chấn động của quyết sách điên rồ do một thế lực cầm quyền ở Việt Nam gây nên cuộc thảm sát trời không dung đất không tha ấy, chúng tôi thiết tha gửi đến Ngài Tổng Thư Ký vì sứ mệnh cao cả mà Ngài đang gánh vác lời khẩn cầu mạnh mẽ sau đây:
“Mong Ngài có tiếng nói kịp thời để ngăn chặn giải pháp tàn bạo của một nhà nước vừa được đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi đề nghị Ngài cử ngay một phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam càng sớm càng tốt để tìm hiểu cụ thể, nhằm đưa ra nhận định khách quan và trung thực về sự kiện đẫm máu mà chúng tôi vừa tố cáo…
Sự kiện bạo lực thảm khốc mà chúng tôi vừa tố cáo đang huỷ hoại nền tảng văn hoá của đất nước chúng tôi , làm băng hoại đạo lý truyền thống của dân tộc chúng tôi, đó là lý do khiến chúng tôi phải đau đớn và thiết tha gửi đến Ngài lời khẩn cầu cấp bách nói trên
Thư ngỏ hôm 31/01/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
“Khát vọng hoà bình, loại trừ bạo lực là nỗi niềm sâu xa nhất, dài lâu nhất của dân tộc chúng tôi. Điều ấy được thể hiện trong câu nói của danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi về nền tảng xây đắp văn hoá dân tộc: “Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Phải làm cho khắp thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, tức là giữ được cái gốc của nhạc [một biểu trưng văn hoá]. Phải chăng đó cũng là điểm tựa cơ bản nhất để người anh hùng dân tộc Việt Nam chúng tôi được trao danh hiệu “danh nhân văn hoá” cao quý trên.
“Sự kiện bạo lực thảm khốc mà chúng tôi vừa tố cáo đang huỷ hoại nền tảng văn hoá của đất nước chúng tôi , làm băng hoại đạo lý truyền thống của dân tộc chúng tôi, đó là lý do khiến chúng tôi phải đau đớn và thiết tha gửi đến Ngài lời khẩn cầu cấp bách nói trên.”
Vụ việc Đồng Tâm được cho là một tranh chấp kéo dài, giữa một bên là người dân địa phương, liên quan tới một mảnh đất rộng 49ha ở khu vực Đồng Sênh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội.
Diễn biến vụ bố ráp và đột kích đêm 08/01, rạng sáng ngày 09/01/2020 xảy ra trong lúc nhiều người dân ở xã Đồng Tâm, trong đó nòng cốt là một số công dân trong một nhóm tự đặt tên là tổ ‘Đồng Thuận’ do ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, lãnh đạo, tiếp tục khiếu nại và chưa đồng tình với quan điểm của nhà nước, chính quyền và kể cả của thanh tra chính phủ.
Vụ việc đã làm ông Lê Đình Kình, một đảng viên lão thành với 58 năm tuổi đảng, cựu lãnh đạo đảng và chính quyền ở địa phương, bị thiệt mạng và ba sỹ quan cảnh sát bị chết.
Sau vụ việc, chính quyền và công an đã bắt giữ khoảng ba chục công dân ở xã Đồng Tâm, tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can với cáo buộc những người bị bắt đã chống đối đường lối của đảng, nhà nước và chính quyền, có các hành vi bạo lực, kích động bạo lực, chống đối người thi hành công vụ và nhận tiền, thực hiện chỉ đạo của các tổ chức, cá nhân bị nhà nước Việt Nam liệt vào thành phần phản động hoặc khủng bố.
Trung Hiếu từ TpHCM – Thoibao.de (Tổng hợp)
Nguồn: BBC