Sự thiếu vắng các nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo là điều đáng lo ngại

Ngày 25/10, VOA Tiếng Việt cho hay, “Hai nhà trí thức giải mã sự thống lĩnh của “phe cầm quân” trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam”.

Theo VOA, các tướng lĩnh công an, quân đội, hiện nắm 3 chức vụ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, gồm: Đại tướng Công an Tô Lâm làm Tổng Bí thư – là lãnh đạo có thực quyền cao nhất; Đại tướng Quân đội Lương Cường làm Chủ tịch nước; và cựu Trung tướng Công an Phạm Minh Chính làm Thủ tướng. Ngoài ra, còn có 6 tướng, tá khác, xuất thân từ công an, quân đội, là ủy viên Bộ Chính trị, chiếm đa số trên tổng số 15 ủy viên.

Sự trỗi dậy của phe các lực lượng vũ trang này, được xem là chưa từng có trong chính trị Việt Nam.

VOA dẫn nhận xét của ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, cho rằng, nền chính trị Việt Nam có 3 phe chính.

Phe thứ nhất là các lực lượng vũ trang – tức quân đội và công an, có gọi một cách không chính thức là “phe cầm quân”. Phe thứ hai là các cán bộ chính trị xuất thân từ Đoàn Thanh niên và Đảng Cộng sản, gọi là “phe cầm cờ”; phe thứ 3 là của những người được xem là có chuyên môn, được đào tạo ở các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa trước đây, và ở nước ngoài nói chung hiện nay.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “phe cầm cờ” thăng tiến thuận lợi, nhưng phe này bị nhiều đảng viên và nhân dân xem là “chính trị chay”, “lý thuyết suông” – ông Tâm Chánh đưa ra quan sát.

Trong khi đó, ông Tâm Chánh tiếp tục cho biết, trong “phe cầm quân”, để thăng tiến thành chỉ huy, các sĩ quan phải thuyết phục được tập thể quanh họ, nên họ thể hiện rõ phẩm chất, năng lực hơn.

Cũng như vậy, “phe có chuyên môn” được đánh giá qua việc họ có đưa ra được các quyết định phù hợp với thực tế hay không. Song, “phe cầm quân” có lợi thế ở chỗ, họ được tin cậy là rất trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng sản.

Với góc nhìn như vậy, ông Tâm Chánh không ngạc nhiên về việc, “phe cầm quân” đang thống lĩnh các vị trí nắm quyền quyết sách.

VOA dẫn nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho rằng, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, vươn lên nắm nhiều vị trí có quyền quyết sách nhất, từ trước đến nay, là do họ chứng minh được tài và đức của họ.

“Ông Phạm Minh Chính được đào tạo ở nước ngoài, là phó giáo sư, tiến sĩ, từng làm xuất sắc Bí thư Quảng Ninh, làm Thủ tướng thì tốt quá. Từ khi ông làm Thủ tướng, ông góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á. Ông Tô Lâm có thành tích xuất sắc trong “đốt lò”. Bây giờ ông giữ chức Tổng Bí thư, tôi hoàn toàn tin tưởng là ông Tô Lâm sẽ làm tốt chức trách đấy”, Tiến sĩ Lược cho hay.

VOA nhắc lại, “đốt lò” là cách gọi không chính thức đối với cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài hơn 10 năm qua ở Việt Nam.

Theo quan sát của VOA, việc 9 tướng, tá, công an, quân đội, hiện diện trong Bộ Chính trị, và 3 vị tướng nắm ghế lãnh đạo hàng đầu, khiến dư luận lo ngại về viễn cảnh “công an trị, quân đội trị”, đồng nghĩa, xã hội sẽ ít các quyền tự do hơn.

Nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược lại đưa ra quan điểm cá nhân là, “không đáng lo ngại”, vì cần xét đến bối cảnh, chưa bao giờ Việt Nam hội nhập quốc tế nhiều và có các điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay, với các đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu…

Trong khi đó, cựu nhà báo Tâm Chánh bày tỏ, điều mà ông nghĩ rằng đáng quan tâm hơn, là sự thiếu vắng các nhà kỹ trị, nhà chuyên môn, ở các vị trí lãnh đạo cấp cao, trong cơ chế Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối.

 

Hoàng Anh – thoibao.de