Tại sao Tổng Bí thư Tô Lâm để Cường “chân vịt” hạ cánh an toàn?

Kể từ khi bộc lộ ý đồ thâu tóm quyền lực trong Đảng, cựu Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm được cho là có tham vọng “tảo thanh” các phe Nghệ An, Hà Tĩnh, vốn là tay chân thân tín của Tổng Bí thư Trọng.

Tháng 4/2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – ứng viên số 1 cho chức Tổng Bí thư, sang thăm Bắc Kinh, yết kiến ông Tập Cận Bình. Ngày 16/4, khi chuyên cơ của Huệ Vương về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, lập tức, Trợ lý của Chủ tịch Huệ, ông Phạm Thái Hà, đã bị Bộ Công an câu lưu.

Phải đến ngày 22/4, Bộ Công an mới công bố lệnh khởi tố và bắt giữ đối với ông Hà. Lý do, ông Hà đã nhận một khoản hối lộ lớn, lên đến 2,2 ngàn tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD), từ Tập đoàn Thuận An. Nhưng theo quy định, ông Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngày 2/5, ông Vương Đình Huệ bị truất chức Chủ tịch Quốc hội, và tất cả các chức vụ khác trong bộ máy Đảng và chính quyền.

Ngay sau đó, công luận đã rộ lên những đồn đoán, cho rằng, các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ An, Hà Tĩnh, sẽ bị tống vào “lò”. Việc Bộ Công an khởi tố, bắt giam Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên – một nhân vật thân cận của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, đã cho thấy quyết tâm của ông Tô Lâm.

Mới đây ngày 25/10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm các chức vụ, và cho thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội Khóa 15, đối với ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội. Đây cũng được cho là kết quả của kế hoạch triệt hạ tay chân thân tín của ông Vương Đình Huệ, từ trước đến nay.

Ông Bùi Văn Cường là một chính khách đầy tai tiếng, với nghi vấn về bằng Tiến sĩ. Năm 2020, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông đã bị tố cáo “đạo văn” trong luận án Tiến sĩ. Tuy nhiên, ông Cường đã sử dụng quyền lực của mình, chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt giữ và xử lý những người tố cáo ông, về tội “vu khống”.

Kể cả Tạp chí Môi trường và Xã hội, do đăng tải một bài viết cáo buộc ông Cường “đạo luận án Tiến sĩ”, đã bị Bộ Thông tin Truyền thông phạt 50 triệu đồng và thu hồi giấy phép 2 tháng, vì nói “sai sự thật”.

Trước khi ông Cường bị xử lý kỷ luật, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin về những sai phạm của Ban lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, có liên quan đến gói thầu của Tập đoàn Thuận An. Đó là gói thầu số 3, khởi công ngày 9/12/2021, thi công dự án đầu tư Xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Cho dù ông Cường đã rời ghế Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk trước ngày khởi công, nhưng giai đoạn đấu thầu, chấm thầu, và công bố kết quả đấu thầu… đều do ông Cường quyết định, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy. Tuy nhiên, số tiền mà ông Bùi Văn Cường đã nhận hối lộ từ Tập đoàn Thuận An, vẫn chưa được công bố cụ thể.

Dù có những sai phạm lớn như vừa kể, Chủ tịch Vương Đình Huệ vẫn kéo ông Bùi Văn Cường về Quốc hội, để giữ chức Tổng Thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Khóa 15. Việc Bộ Công an xử lý ông Cường, được cho là nhắm đến một trợ thủ đắc lực của ông Vương Đình Huệ.

Tuy nhiên đến nay, thế cuộc hình như đã đảo chiều. Các phe phái chống lại Tổng Bí thư Tô Lâm trong Đảng đã thắt chặt sự liên kết, dưới sự dẫn dắt của các tướng lĩnh trong quân đội, cùng với việc ông Trần Cẩm Tú trở thành Thường trực Ban Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vươn lên vị trí số 5 trong Đảng.

Phải chăng, đây là lý do đã buộc Tổng Bí thư Tô Lâm đã phải “giơ cao, đánh khẽ” với ông Cường “tiến sĩ chân vịt”, và để ông Bùi Văn Cường được hạ cánh an toàn?

 

Trà My – Thoibao.de