Ngày 26/10, phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ sự “sốt ruột”, vì thế giới đang phát triển rất nhanh. Ông lấy dẫn chứng là Ireland, ở thập niên 1980 còn khá nghèo, nhưng hiện nay, họ đã là quốc gia thịnh vượng hàng đầu thế giới.
Điều vừa kể, phần nào hé lộ mục đích các chuyến thăm quốc tế, trong tháng 9/2024, của Tổng Bí thư Tô Lâm. Có ý kiến cho rằng, Tô Lâm thăm Mông Cổ để so sánh với Cuba, nhằm rút ra bài học về thể chế chính trị. Thăm Ireland, tìm hiểu về cách thức để một nước nghèo, chỉ trong vòng 40 năm, vươn lên thành nước có thu nhập bình quân đầu người đứng vào hàng thứ 2 thế giới.
Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cảm kích về sự “sốt ruột” của Tổng Bí thư, vì đây là lần đầu tiên, một lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo lắng về sự phát triển của đất nước. Trái với sự lạc quan tếu của cố Tổng Bí thư Trọng, khi khẳng định, đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như hôm nay. Không ít người đã hy vọng vào công cuộc cải cách, để đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”, và tin rằng, ông Tô Lâm sẽ là người tạo ra bước ngoặt lịch sử.
Tuy nhiên, những suy nghĩ vừa kể là hoàn toàn không có căn cứ. Vì cán cân quyền lực trên chính trường, đến nay đã có những thay đổi cơ bản. Việc ông Lương Cường ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đã cho thấy sự suy giảm quyền lực của ông Tô Lâm. Đồng thời, cũng đã chấm dứt những nỗ lực thâu tóm quyền lực “tuyệt đối”, khi ông Tô Lâm muốn nhất thể hóa trong nhiều tháng qua.
Theo giới quan sát, dưới chiêu bài lấy lại sự “cân bằng quyền lực” trong Đảng, các phe phái chống Tô Lâm đã thành công, trong nỗ lực chặn đứng tham vọng của ông.
Việc ông Lương Cường trở thành tân Chủ tịch nước, có ý nghĩa, kết quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa 2 phe công an và quân đội đã ngã ngũ. Không chỉ vậy, việc Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, một đối thủ của ông Tô Lâm trước đây, lại trở thành Thường trực Ban Bí thư, cũng báo hiệu nhiều điều không thuận lợi đối với ông.
Điều đó cho thấy, sự “sốt ruột” của Tổng Bí thư có lẽ chỉ là một lời than thở, về sự bất lực của ông, khi không thể nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đảng.
Phe Nghệ Tĩnh và các tướng lĩnh chính trị trong quân đội, vốn là các hậu duệ của cố Tổng Bí thư Trọng, lâu nay vẫn mang danh là thân Trung Quốc. Theo một số nhận định, đến nay, Bắc Kinh đã công khai, ra mặt ủng hộ Lương Cường, và tỏ thái độ “không hài lòng” với Tô Lâm.
Việc ông Tô Lâm và phe cánh suy giảm quyền lực, là điều có thật. Mới nhất, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bị cho nghỉ hưu sớm. Ông Cường vốn là một đệ tử thân cận của ông Vương Đình Huệ, từng dính líu đến tham nhũng liên quan Tập đoàn Thuận An, thời làm Bí thư Đắk Lắk. Việc ông Tô Lâm chỉ buộc ông Cường nghỉ hưu sớm, và vẫn cho giữ nguyên các quyền lợi, là một minh chứng cho sự suy giảm quyền lực của ông.
Chưa hết, Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó Ban Kinh tế Trung ương. Một nguồn tin nội bộ tiết lộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nghệ An Nguyễn Đức Trung sẽ lên thay chức Bí thư. Những điều này cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những bước “xuống thang” đáng kể, đối với phe Nghệ An.
Có nhiều ý kiến cho rằng, những tuyên bố cải cách của ông Tô Lâm khiến Bắc Kinh không hài lòng. Việc khiến cho Tổng Bí thư Tô Lâm và phe cánh giảm sút quyền lực, chỉ là bước đầu của Bắc Kinh.
Thậm chí có suy đoán rằng, nếu ông Tô Lâm không có những bước đi táo bạo và triệt để hơn, thì khả năng, trong Đại hội 14 vào đầu năm 2026, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ trở thành Tổng Bí thư chỉ là chuyện trong gang tấc, vì có được sự yểm trợ tối đa và công khai từ Bắc Kinh.
Trà My – Thoibao.de