Trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để lấn át các nước có chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông, một câu hỏi đặt ra là nếu xung đột vũ trang xảy ra trên vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc thì kết quả sẽ ra sao?
Xét về tương quan lực lượng, rõ ràng quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế thứ 2 của toàn cầu là Trung Quốc có lợi thế cách biệt với Việt Nam.
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Trung Quốc lên đến 228 tỉ USD, tức là gấp gần 29 lần ngân sách quốc phòng của Việt Nam.
Số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung Quốc có gần 2,3 triệu quân, tức là gấp gần 5 lần Việt Nam.
Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung Quốc; 6 tàu ngầm so với 76 tàu ngầm của Trung Quốc; 64 tàu chiến các loại so với 714 tàu của Trung Quốc, trong đó Việt Nam không có tàu sân bay, tàu khu trục như Trung Quốc.
Trong bảng xếp hạng công bố năm 2020, Global Firepower xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 3 trên tổng số 138 lực lượng quân sự trên thế giới sau Mỹ và Nga.
Trong bảng xếp hạng này, quân đội Việt Nam ở vị trí thứ 22 trên tổng số 138 lực lượng quân sự trên thế giới, nâng 1 bậc so với năm 2019.
Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam ‘kiên quyết’ nhưng ‘khôn khéo’ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung Quốc : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn RFI, nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon cho rằng nếu xảy ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông Gédéon, nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung Quốc và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.
Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tàu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.
Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.
Ông Gédéon nhận định: trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Quốc, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
Nhà nghiên cứu người Pháp đánh giá chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay mà Việt Nam theo đuổi như là một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung Quốc.
Ông phân tích: Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản.
Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tàu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác.
Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước châu Âu.
Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung Quốc diễn giải như là một mối đe dọa.
Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.
Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ USD trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc bền bỉ thực hiện chính sách ‘ba không’ (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia) từ năm 1998 tới nay, Việt Nam đồng thời triển khai mối quan hệ ‘đối tác’ với các nước trên các mức độ khác nhau.
Chính sách “ba không” xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dù mang tính mệnh lệnh “ba không” nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ “đối tác”. Có ba kiểu “đối tác” là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên “liên minh quân sự”.
Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung Quốc.
Ông Gédéon đánh giá chính sách “ba không” không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền.
Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên, trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Mỹ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa – chính trị riêng.
Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, và cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là ‘dấu chấm hết’ cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?
Như vậy, để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình.
Ông Gédéon cho rằng việc Việt Nam phản đối ngoại giao tức là kiên quyết về mặt chính trị đồng thời không tìm cách dùng vũ lực là một chiến lược khôn ngoan.
Ông nói: chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, tránh được việc đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh ‘kiềm chế, hợp pháp’ trước hành động được coi là ‘xâm lược’ của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.
Trong một diễn biến khác, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng kỳ cựu tại trung tâm Mỹ Rand Corporation, nguyên là cố vấn cho trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương đã nhận định rằng: “Đến một lúc nào đó, quân đội Trung Quốc sẽ cần phải kiểm tra (trên chiến trường) năng lực mới của họ – và Việt Nam hoàn toàn có thể bị coi là đối thủ được ưa thích.”
Ông Grossman đã đưa ra 3 lý do cho giả thuyết này.
Thứ nhất, chiến trường Việt Nam và Biển Đông thuận lợi cho một cuộc chiến không và hải quân, cuộc chiến mà Bắc Kinh dự trù phải đối mặt hiện nay, dù là để chống lại Đài Loan hay một đối thủ khu vực khác ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông chứ không phải là cuộc chiến bộ binh như cuộc chiến tranh năm 1979 ở vùng biên giới phía bắc Việt Nam mà Trung Quốc đã thua một cách đáng xấu hổ.
Thứ hai, cuộc chiến với Việt Nam sẽ ít có khả năng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến nhất bởi Việt Nam và Mỹ không có hiệp ước an ninh trong khi với các nước và vùng lãnh thổ khác mà Trung Quốc có tranh chấp thì Mỹ đều có liên minh an ninh chính thức hay không chính thức như Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines hay Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ.
Thứ ba, Việt Nam có thể bị đánh thắng dễ dàng do không có khả năng duy trì các hoạt động ngang tầm với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định phương án tốt nhất mà Việt Nam vẫn đang nỗ lực làm là xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn diện với các quốc gia có thể hỗ trợ Việt Nam.
Có thể không nhất thiết phải hỗ trợ về mặt quân sự nhưng ít nhất về mặt ngoại giao, tạo vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước tình trạng ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia thường xuyên bị Trung Quốc ức hiếp và chỉ biết phản đối, bám sát theo dõi hoạt động của tàu thuyền của Trung Quốc do quá chênh lệch về tiềm lực quân sự, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) Benoît de Tréglodé còn gợi ý đến giải pháp 3 nước ASEAN này nên ngồi lại với nhau, bàn về bất đồng chủ quyền của ba nước để có thể hợp lực chống Trung Quốc.
Có thể có nhiều phương pháp để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của nhà cầm quyền Việt Nam cùng sự đoàn kết của toàn thể dân tộc. Tinh thần yêu nước; khát vọng độc lập, tự do; ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam đã được chứng minh qua bốn ngàn năm lịch sử. Còn yếu tố tiên quyết còn lại là quyết tâm ‘thoát Trung’ của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thì cần phải tiếp tục xem, liệu họ có chịu thực hiện trong thời gian tới hay không?.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)