Trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia trên thế giới hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn làn sóng thâu tóm doanh nghiệp của Trung Quốc, Việt Nam là nước nằm sát cạnh Trung Quốc đồng thời có mối quan hệ thương mại rất chặt chẽ với nước này lại càng cần phải dựng lên các rào cản để các doanh nghiệp, tài sản chủ chốt của quốc gia không rơi vào tay Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam ít mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ, hiện sống và làm việc tại Tokyo (Nhật Bản), nhận định: “[…] nhìn từ mặt thuần túy kinh tế đã thấy FDI từ Trung Quốc nhìn chung (trừ ngoại lệ) thuộc về những nước đầu tư không thể có chất lượng tốt.”
Lý giải cho điều này, ông Thọ đưa ra hai lý do.
Thứ nhất, đó là lịch sử hình thành các doanh nghiệp đa quốc gia của Trung Quốc rất ngắn, nhất là thời gian hoạt động trong kinh tế thị trường chưa đủ dài để xác lập hệ thống quản trị doanh nghiệp (corporate governance) và văn hóa kinh doanh.
Trên thực tế, trong 100 công ty đa quốc gia lớn nhất của Trung Quốc thì có tới 81 là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước chi phối. Khi văn hóa kinh doanh và hệ thống quản trị doanh nghiệp chưa được xác lập mà đầu tư mạnh ra nước ngoài sẽ dễ gây xung đột với quyền lợi ở nước sở tại, dễ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến các quan hệ về văn hóa, xã hội.
Thứ hai là nhiều doanh nghiệp chưa tích lũy nguồn lực kinh doanh như công nghệ, tri thức quản lý, cho đến nay hình thức FDI ra nước ngoài chính của doanh nghiệp Trung Quốc là mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là hình thái xâm nhập, sở hữu kinh doanh nhanh chóng nhất ở thị trường nước ngoài. Số dự án M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tăng vọt từ năm 2016.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành đối tượng M&A của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp của Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm nay, số lượt góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tăng 38%.
Giáo sư Thọ còn nhấn mạnh một điểm quan trọng khác là nhiều công ty FDI của Trung Quốc đưa nhiều lao động giản đơn sang Việt Nam. Chỉ kể số khảo sát được cũng đã lên tới gần 5.000 lao động.
Giáo sư đặt câu hỏi là: Tại sao Việt Nam phải xuất khẩu lao động mà lại cho nhập khẩu nhiều lao động từ Trung Quốc như thế?
Một vấn đề nhức nhối khác được Giáo sư Thọ đề cập đến là thực trạng người Trung Quốc thâu tóm đất nơi trọng yếu của Việt Nam.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.
Theo báo cáo, thời hạn thuê đất của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Các tỉnh, thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung “sở hữu” đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.
Đà Nẵng được coi là “điểm nóng” về đất đai thuộc khu vực trọng yếu ven biển bị người Trung Quốc thâu tóm, trong đó có các khu vực được coi là “nhạy cảm” như sân bay Nước Mặn, một căn cứ quân sự ven biển thời Chiến tranh Việt Nam bị bỏ hoang.
Vấn đề này được báo chí phản ảnh từ lâu nhưng tin chính thức của Bộ Quốc phòng làm nhiều người càng lo ngại.
Giáo sư Thọ đã lý giải một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI). Trong quá trình đó đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Ông Thọ đề xuất: “Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”
Ông Thọ lấy dẫn chứng từ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị thông qua hình thức đầu tư của Trung Quốc. Ông lấy ví dụ: “Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật. Đối với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, tỉ lệ 1% trở lên là phải xin phép, v.v…
Ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”
Từ đó ông đi đến kết luận: “Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.”
Trong cuộc trò chuyện với BBC hôm 28/5, Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển đã đề xuất giải pháp cho thực trạng trên.
Ông nói: “Vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên, một hình thức đội lốt như vậy, thì pháp luật cấm rồi. Có thể xử lý ngay được.
Còn vấn đề mà mua lại cổ phần công ty, thì cái này cần điều chỉnh luật theo hướng, những khu vực mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cần có tiếng nói quyết định trong vấn đề đầu tư nước ngoài vào các khu đất thuộc vùng trọng yếu đối với an ninh, quốc phòng. Cần rà soát lại toàn bộ các dự án ở vùng trọng điểm để xử lý.”
Còn Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói: “Theo tôi, về mặt luật pháp thì Việt Nam cần xây dựng chặt chẽ hơn, tránh bị Trung Quốc lợi dụng. Thêm nữa, nhà nước cần tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm để họ biết, cùng cảnh giác, không giúp ngoại bang mua đất như thế. Cần lấy lợi ích quốc gia làm ưu tiên số một.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore thì đề xuất giải pháp có vẻ chặt chẽ hơn. Ông nói: “Chúng ta cần làm rõ thế nào là ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh. Theo tôi, thứ nhất là những mảnh đất gần biên giới. Thứ hai là các mảnh đất gần các cơ sở an ninh, quốc phòng. Cái này thì những quy định tới đây đều phải nêu rõ khoảng cách bao nhiêu thì được coi là có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Thứ ba là các vùng bờ biển, biên giới biển. Nhiều nơi ở các vị trí này đang xảy ra hiện tượng là các doanh nghiệp Việt Nam chuyển cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Qua đó, doanh nghiệp nước ngoài cũng ‘sở hữu’ các mảnh đất đó. Cái này xét về luật Đầu tư thì không sai, nhưng xét về Nghị định về biên giới thì hoàn toàn sai. Cho nên thời gian tới, trước khi ra luật Biên giới, thì chắc chắn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần rà soát lại nhanh các dự án đang nằm trong tay người nước ngoài để có hướng xử lý phù hợp.”
Bên cạnh đó còn có một số doanh nghiệp Trung Quốc có hành động tuyên truyền cho đường lối xâm lấn biển đảo của nước họ, đi ngược lại chủ trương về chủ quyền của Việt Nam.
Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam đã bị xử lý vì đưa ra những hình ảnh vi phạm chủ quyền biên giới, hải đảo. Mới đây, cơ quan chức năng Tiền Giang đã xử phạt, buộc Công ty TNHH Giày Apache tháo dỡ 6 bản đồ treo tại đơn vị không thể hiện Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà thay vào đó là tên gọi chưa được công nhận – SOUTH CHINA SEA. Cơ quan chức năng TP. Hải Phòng cũng đã buộc Công ty TNHH Thâm Việt tháo dỡ công trình giống “đường lưỡi bò“, công trình giống hình “bát quái” trong khuôn viên doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng đầu tư, mở chi nhánh tại Việt Nam chắc chắn sẽ gia tăng các vi phạm tuyên truyền sai trái về chủ quyền lãnh thổ.
Việt Nam đã có quy định về vấn đề này và có thể xử phạt ngay. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tính chất sai phạm cần được xác định là cố ý hay vô ý. Để xác định được điều này không đơn giản.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có cách xử lý linh động, phù hợp với tình hình căn cứ vào hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Trên thực tế, với tang vật vi phạm, cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền yêu cầu họ gỡ bỏ, xử phạt hành chính. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, nếu tái phạm nhiều lần thì có thể xem xét buộc doanh nghiệp đó phải dừng hoạt động ở Việt Nam hoặc có thể xử lý hình sự để chứng tỏ sự nghiêm minh, quyết liệt của Việt Nam trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Về thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Giáo sư Thọ nhận định Việt Nam phần lớn quan tâm đến số dự án đăng ký và tiền vốn đăng ký chứ không tập trung vào chất lượng.
Ông khẳng định: “muốn FDI có được chất lượng và hiệu quả thực sự thì chính phủ phải tích cực hành động, phải tiếp thị và đối thoại với các công ty, các nhà đầu tư uy tín trên thế giới về công nghệ, về năng lực cạnh tranh,…và xây dựng các điều kiện về môi trường đầu tư, về nội lực để tiếp đón các nhà đầu tư ấy một cách hiệu quả.”
Ông đưa ra bốn tiêu chí để đạt được thành công trong việc thu hút FDI là: (1) FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, (2) tạo điều kiện để nhiều dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) liên kết giữa FDI với các công ty trong nước và (4) đánh giá FDI xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam. Trong đó, tiêu chí 2 và 3 là liên quan tới nội lực của Việt Nam. Tức là nội lực trong nước phải mạnh thì mới liên kết và phát huy được nhằm có hiệu quả nhất với FDI. Còn tiêu chí thứ nhất rất quan trọng là FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, nghĩa là tùy theo giai đoạn phát triển kinh tế mà nội dung, tính chất của FDI phải khác.
Ngoài ra, ông Thọ còn nêu ra những điểm bất cập trong Luật Đầu tư nước ngoài là: “Trong thời kỳ mới bắt đầu đổi mới cho đến khi gia nhập WTO thì Việt Nam sợ FDI chi phối nền kinh tế thành ra luật nói chung không thông thoáng và khi áp dụng lại gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài, việc xét duyệt cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian. Việc này làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì lại dễ dãi quá trong đó có phân quyền xuống các địa phương. Các địa phương tranh nhau dự án, xem việc thu hút số lượng dự án FDI là thành quả phát triển của địa phương mình.”
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Luật sư Mỹ đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”