Mỹ và châu Âu bắt tay chống Trung Quốc

https://youtu.be/-GHv4VxBlfI
Link Video: https://youtu.be/-GHv4VxBlfI

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ là Robert O’Brien đã đến thủ đô Paris của Pháp vào thứ hai 13/7, bắt đầu chuyến thăm ba ngày để thảo luận với các đồng nghiệp châu Âu từ Pháp, Anh, Đức và Ý về Trung Quốc, Nga và hàng loạt vấn đề chính sách đối ngoại khác. Liệu có khả năng siêu cường thế giới và lục địa già sẽ gác những bất đồng còn tồn tại để cùng nhau giải quyết mối đe dọa đến từ người khổng lồ châu Á?

Châu Âu đang tìm một chiến lược mới trong quan hệ với Bắc Kinh cho giai đoạn hậu COVID-19.

Suốt thời gian qua có thể thấy Bruxelles đã dùng biện pháp « vừa đấm vừa xoa » với Trung Quốc nhằm mục đích vừa để tránh lao vào một cuộc « chiến tranh lạnh » vừa để giữ khoảng cách với đồng minh Hoa Kỳ trước một đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

Châu Âu không nhìn vấn đề dưới khía cạnh thiện – ác, trắng – đen như chính quyền của Tổng thống Trump. Cho nên, Bruxelles không liệt Trung Quốc vào danh sách “đồng minh” hay “kẻ thù”. Trong con mắt châu Âu, Trung Quốc vừa là một đối thủ cạnh tranh không thể coi thường, vừa là một đối tác vô cùng quan trọng. Quan điểm này vẫn được châu Âu duy trì kể cả sau những diễn biến trong nửa năm qua xung quanh virus corona và những hậu quả vô cùng tai hại đi kèm.

Một mặt, châu Âu xoa dịu Trung Quốc trên cả mặt trận thông tin và quân sự bằng việc trấn an Bắc Kinh rằng kịch bản « chiến tranh lạnh » sẽ không xảy ra đồng thời khẳng định rằng Bruxelles « không xem Bắc Kinh là một mối đe dọa quân sự », « không đe dọa hòa bình thế giới ».

Mặt khác, châu Âu vẫn xem Trung Quốc là một « đối thủ mang tính hệ thống ». Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell khi trả lời báo chí vẫn nhìn nhận rằng Trung Quốc có thói quen « nói một đằng làm một nẻo ». Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh với đồng nhiệm châu Âu rằng « Trung Quốc không có tham vọng quân sự » nhưng Bruxelles « hoàn toàn ý thức được rằng Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng ».

Ảnh: Lãnh đạo ngoại giao EU Josep Borrell trong cuộc họp trực tuyến Đối thoại chiến lược EU – Trung Quốc, ngày 09/6/2020

Châu Âu đã phải thừa nhận là đã quá « ngây thơ » và cả tin vào Trung Quốc trong quá khứ và đang nỗ lực để lấy lại cân bằng về mặt lợi ích trong mối quan hệ với cường quốc mới nổi đến từ châu Á.

Mặc dù châu Âu vẫn trải thảm đó mỗi lần tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng châu Âu cũng đang không ngừng gây sức ép với đòi Trung Quốc mở cửa cho các doanh nghiệp phương Tây…

Đặc biệt trong cuộc đối thoại thượng đỉnh qua video giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu với Thủ tướng và Chủ tịch Trung Quốc hôm 22/6/2020 vừa qua, châu Âu đã bắt đầu thể hiện lập trường cứng rắn của mình với Trung Quốc. Trong cuộc họp thượng đỉnh qua video kéo dài 1 giờ, châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy khi đề cập với Bắc Kinh các vấn đề «  nhạy cảm » mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh, sợ làm mếch lòng Trung Quốc như vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hồng Kông cũng như về vấn đề khí hậu… Thượng đỉnh EU – Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona khởi phát từ Trung Quốc đã tàn phá thế giới trên tất cả các phương diện (y tế, kinh tế, chính trị) và việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hồng Kông. Không khí ngờ vực lẫn nhau đã bao trùm cuộc họp thượng đỉnh.

Ảnh: Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU – Trung Quốc từ Bruxelles ngày 22/6/2020

Có thể nói, Châu Âu đã không chọn đứng về một phe nào giữa Mỹ và Trung Quốc và nhất là không vì quan hệ đồng minh trong quá khứ mà chọn đặt vận mệnh của mình trong tay Washington. Một phần có lẽ vì kinh nghiệm cho thấy, Mỹ có thể rút lại ô dù bảo vệ châu Âu bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên nhà báo Dorian Malovic, Tổng biên tập đặc trách khu vực châu Á trên nhật báo La Croix của Pháp nhận định nước cờ của châu Âu chỉ có thể đem lại kết quả mong muốn với điều kiện EU phải đoàn kết và có cùng một tiếng nói khi đàm phán với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Trong khi đó, đoàn kết chặt chẽ nội bộ giữa 27 thành viên EU hiện tại lại là nhược điểm quan trọng nhất của khối này. Nhất là trong vấn đề Trung Quốc, nền kinh tế đầu tàu của EU là Đức vẫn luôn có xu hướng nghiêng về Trung Quốc để phục vụ lợi ích kinh tế cho riêng nước mình.

Hồi đầu năm nay, các quan chức châu Âu vẫn hy vọng rằng Đức sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo 27 + 1 tại Leipzig với sự tham gia của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên cho đến nay, hội nghị thượng đỉnh Leipzig vẫn bị hoãn vô thời hạn.

Lâu nay, mặc dù thi thoảng vẫn chỉ trích nhẹ nhàng Bắc Kinh, nhưng trên hết, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn tìm cách hòa hợp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đó là vì quan hệ thương mại cân bằng giữa hai nước. Từ nhiều năm nay, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và xe hơi Đức sang Trung Quốc là rất cao và làm gia tăng lợi nhuận của nhiều nhà công nghiệp Đức.

Một số chuyên gia cho rằng thái độ ngập ngừng, miễn cưỡng của Thủ tướng Đức trong việc đối đầu với Bắc Kinh có nguy cơ làm suy yếu đà ủng hộ việc triển khai chính sách chung của châu Âu đối với Trung Quốc và sẽ duy trì tình trạng không có lợi cho mặt trận chung châu Âu, khi các thành viên châu Âu chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mỗi nước.

Những động thái mới nhất của Đức trong bối cảnh các nước đang tìm kiếm giải pháp phục hồi kinh tế cũng cho thấy rằng Đức ưu tiên khôi phục các liên kết thương mại với Trung Quốc hơn so với các quốc gia khác, kể cả với Mỹ.

Ngay sau khi Đức đồng ý cứu trợ 10 tỷ USD cho Lufthansa vào tháng trước, hãng hàng không này đã tuyên bố nối lại tuyến bay Frankfurt – Thượng Hải.

Trong bối cảnh những căng thẳng về an ninh và thương mại Đức – Mỹ leo thang, giới lãnh đạo Đức nhận thấy cần phải thắt chặt hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc – một đối tác thương mại khổng lồ của họ.

Trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 7, khi được hỏi liệu bà có ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ coi là nhắm vào Trung Quốc hay không, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không đưa ra bình luận gì về vấn đề này, bà chỉ nhấn mạnh rằng: “Mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng – nó quan trọng về mặt chiến lược.”

Khi nhu cầu về hàng hóa từ Mỹ giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Đức đã dựa vào Trung Quốc, nơi hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn vào thời điểm đó, để vực dậy nền kinh tế của mình.

Maththew Karnitschnig, Biên tập viên của Politico, nói rằng lịch sử hợp tác giữa Đức và Trung Quốc luôn là điều bà Merkel nghĩ tới khi bà tìm cách bảo vệ nền kinh tế Đức giữa COVID-19. Dự kiến tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm 6,3% trong năm nay.

Bà Merkel đã nói trong một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng trước rằng: “Tương lai của thế giới không thể được xác định nếu không có mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Trung Quốc.”

Bà Merkel đã đưa ra phát biểu vào tuần trước rằng: “Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về mọi mặt. Hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh sẽ mang lại lợi ích tối đa cho EU”.

Bên cạnh vấn đề không đạt được đồng thuận trong nội khối về hồ sơ Trung Quốc, giữa EU và Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng để có thể cùng hành động đối phó với Trung Quốc.

Ảnh: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ký kết Thỏa thuận giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/01/2020

Các nhà quan sát cho biết, các cam kết của Trung Quốc thực hiện thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết vào tháng 01/2020 đã khiến các công ty châu Âu cảm thấy “bị đánh bật” khỏi thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Theo thỏa thuận của thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu vào tháng 7/2018, Bắc Kinh hứa sẽ mua thêm nông sản Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Cam kết này vừa được nhắc lại vào trung tuần tháng 6 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp nhau ở Hawaii nhằm thương thảo về một số vấn đề nhức nhối giữa hai nước.

Đối với các công ty châu Âu, đây thực sự là một đòn giáng mạnh vào kì vọng xâm nhập thị trường Trung Quốc bởi khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu châm ngòi, châu Âu nuôi hy vọng Bắc Kinh sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế các nhà cung cấp Mỹ ở giai đoạn hiện tại.

Ông Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, cho rằng “việc Trung Quốc tập trung vào hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà cung cấp khác” đặc biệt là châu Âu.

Khi cuộc chiến thương mại diễn ra năm 2018, Bắc Kinh đã chấp thuận cho 46 công ty thịt từ các nước thuộc Liên minh châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều gấp đôi so với Mỹ.

Sang năm 2019, số lượng các nhà sản xuất thịt của EU được cho phép xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi, với con số lên tới 112 công ty. Nguyên nhân là do Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng thiếu thịt lợn và các loại thịt khác từ sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, giết chết khoảng 60% đàn lợn của Trung Quốc. Doanh số bán nông sản của EU sang Trung Quốc năm 2019 đã tăng 38% so với năm trước, lên 15,3 tỉ euro (khoảng 17,1 tỉ USD).

Nhưng rồi mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi kể từ đầu năm 2020 khi Mỹ và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Trong năm 2020, có tới 1.024 công ty Mỹ được bật đèn xanh để bán nông sản cho Trung Quốc, so với con số khiêm tốn chỉ 24 công ty châu Âu được cấp phép.

Trong quý I năm 2020, Trung Quốc đã nhập hơn 1 tỉ USD đậu nành và 691 triệu USD thịt lợn từ Mỹ.

Trong khi đó, doanh số bán nông sản của châu Âu sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn kể từ khi các quan chức Bắc Kinh “cáo buộc” đợt bùng phát COVID-19 mới ở thành phố này có liên quan đến một chủng virus Corona có nguồn gốc từ châu Âu. Thương lái Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu cá hồi châu Âu sau khi phát hiện dấu vết của dịch bệnh trên thớt thái cá hồi tại chợ đầu mối Tân Phát Địa (Xinfadi), Bắc Kinh.

Hơn nữa, theo giới quan sát, ngay cả khi Bruxelles lên giọng hơn khi nói về Trung Quốc thì châu Âu vẫn còn cách rất xa đường lối rất cứng rắn của chính quyền Donald Trump với các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhắm vào các công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có tập đoàn Huawei.

Chính sách cứng rắng đối với Trung Quốc của Mỹ còn là một chủ đề hiếm hoi được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ủng hộ.

Theo các chuyên gia, từ nay đến khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ít có khả năng Mỹ và châu Âu có những thay đổi lớn về cách đối phó với Bắc Kinh. Nếu ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, rất có khả năng quan hệ Washington – Bruxelles có thể tiến triển để đối thoại về phương pháp đối phó với Trung Quốc, và có thể cuối cùng sẽ đạt được đường lối chung.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Người dân Đức ngày càng muốn „xa lánh“ Trung Quốc

>>> Trung Quốc đe dọa “Việt Nam sẽ trắng tay” nếu đu dây theo Mỹ

>>> Tuyên bố của Hoa Kỳ về Biển Đông có ý nghĩa như thế nào đến Việt Nam?

https://www.youtube.com/watch?v=cT5GCiew3rw
Mỹ truy tố tin tặc TQ đột nhập ăn cắp bí mật quốc phòng