Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=0YbQrVycgzI
Mới đây, nhiều hãng tin khu vực và quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Mỹ xác định Việt Nam “thao túng tiền tệ”, đồng thời bình luận về những hậu quả và tác động đối với thị trường và thương mại song phương, cũng như dự đoán về những bước đi tiếp theo của Washington.
Hậu quả sẽ là gì?
Động thái này của Mỹ sẽ không dẫn đến “hậu quả” cụ thể ngay lập tức, song có thể sẽ làm leo thang căng thẳng và tác động tới thị trường trong ngắn hạn.
Theo luật, chính quyền Mỹ sẽ phải đàm phán với các đối tác thương mại để giải quyết vấn đề mất cân bằng tỷ giá hối đoái.
Sau 1 năm, Washington có thể sẽ áp dụng các hình phạt thương mại nếu quyết định gắn mác thao túng tiền tệ không được gỡ bỏ.
Vì thế, các quốc gia bị xác định là “nước thao túng tiền tệ” sẽ phải bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và có thể có sự tham gia của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Nếu những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không được giải quyết, Mỹ có thể áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cả trừng phạt thuế quan.
Một số ý kiến trong giới kinh doanh lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng cho tiến hành biện pháp đánh thuế.
Liệu Việt Nam có thực sự “thao túng tiền tệ”?
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) tháng 10 vừa qua đã thiết lập quy trình điều tra có thể dẫn đến việc Mỹ áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng nhập khẩu từ Việt Nam, song Phòng Thương mại Mỹ và các đại diện doanh nghiệp đã cảnh báo về những hậu quả của việc áp thuế đối với quan hệ song phương.
Trong một động thái cần thiết, Bộ Tài chính Mỹ đã thiết lập các “tiêu chí khách quan” rõ ràng để đánh giá liệu một đối tác thương mại có thao túng tiền tệ hay không.
Điều này đặc biệt quan trọng vì luật pháp Mỹ trao quyền ưu tiên cho Bộ Tài chính trong những vấn đề này.
Việc áp dụng các tiêu chí này đối với trường hợp của Việt Nam đặc biệt hữu ích.
Trên thực tế, Việt Nam đã không vi phạm 2 trong 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đề ra.
Tiêu chí 1: Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP?
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam đã chuyển từ thặng dư 6,26 tỷ USD trong quý 3/2019 sang thâm hụt 323 triệu USD trong quý 2/2020 (theo số liệu cập nhật mới nhất).
Nếu Việt Nam thực sự có hành vi định giá thấp đồng nội tệ, điều đó sẽ theo hướng ngược lại.
Sự thay đổi tài khoản vãng lai của Việt Nam theo hướng thâm hụt không có gì ngạc nhiên.
Kinh tế phát triển nhanh và Việt Nam tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ, một phần do Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Dòng vốn FDI – được coi là thặng dư tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc gia – là hình ảnh phản chiếu thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia.
Tóm lại, Việt Nam không vi phạm tiêu chí về tài khoản vãng lai vì tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt chứ không phải thặng dư.
Tiêu chí 2: Mua ròng ngoại tệ với tổng giá trị ít nhất bằng 2% GDP trong 12 tháng.
Đối với tiêu chí trên, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 84,1 tỷ USD vào tháng 7/2019 (số liệu mới nhất), tăng 3 tỷ USD từ mức 81,1 tỷ USD của tháng 1/2019. Mức này thấp hơn 0,9% GDP của Việt Nam, mà IMF ước tính sẽ đạt khoảng 340 tỷ USD trong năm 2020.
Mặc dù những dữ liệu này không phải của cả năm 2020, song báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 1 cho biết: “Các cơ quan chức năng Việt Nam đã truyền đạt một cách đáng tin cậy tới Bộ Tài chính Mỹ rằng mua ròng ngoại hối là 0,8% GDP trong 4 quý, tính đến tháng 6/2019”.
Việc Bộ Tài chính Mỹ thêm dữ liệu của IMF vào báo cáo hồi tháng 1 cho thấy Việt Nam không vượt ngưỡng mà Bộ này đặt ra liên quan đến mua ròng ngoại tệ.
Tóm lại, quỹ đạo mua ròng ngoại tệ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 không vi phạm tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ về các hành vi tiền tệ không công bằng dẫn đến đồng tiền bị định giá thấp.
Tiêu chí 3: Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD trong 12 tháng.
Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Việt Nam là 54,5 tỷ USD vào năm 2019 và tiếp tục tăng lên vào năm 2020.
Dù các nhà kinh tế đều cho rằng cán cân thương mại là thước đo không chính xác để đánh giá lợi ích thương mại trong một mối quan hệ, song rõ ràng Việt Nam vi phạm tiêu chí này của Bộ Tài chính Mỹ.
Dẫu vậy, sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở mức độ lớn là kết quả trực tiếp của việc Mỹ áp thuế đối với hơn 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thật vậy, nhiều công ty đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, để né tránh các mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 11 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khuyến nghị Việt Nam “mua thêm hàng hóa của Mỹ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quân sự để tránh phải chịu thuế trừng phạt của Mỹ”.
Trung Quốc thoát mác “thao túng tiền tệ”
Trung Quốc, cũng bị Bộ trưởng Tài chính Mnuchin “gắn mác” thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019 (khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm), giống như giai đoạn 1992-1994, nhưng đã được ‘trắng án’ vào tháng 1/2020 (hai ngày trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”).
Trung Quốc là “cái gai” trong mắt Trump và là đối tượng bị Bộ Tài chính Mỹ nhắm đến lâu nay vì cách nước này quản lý đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc nhiều lần thoát khỏi nhãn thao túng tiền tệ là nhờ sức mạnh kinh tế và chiến lược.
Lý do là liên tiếp các chính quyền Mỹ muốn can dự với Trung Quốc và thúc đẩy nước này đi theo con đường cải cách thay vì đối đầu.
Lần này, Trung Quốc vẫn không bị gắn mác thao túng tiền tệ, dù vẫn có tên trong số 10 đối tác thương mại của Mỹ bị đưa vào danh sách giám sát về tiền tệ.
Dù Trung Quốc chỉ đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí chính để bị xác định là nước thao túng tiền tệ, song Mỹ vẫn khuyến cáo: “Bộ Tài Chính Mỹ kêu gọi Trung Quốc cải thiện tính minh bạch đối với việc quản lý tỷ giá hối đoái của họ, đặc biệt liên quan đến việc can thiệp ngoại hối chính thức…”
Việc Mỹ “ân xá” cho Trung Quốc có thể có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc, vốn mang lại lợi suất cao hơn hầu hết các thị trường tương đương.
Ngoài ra, việc Trung Quốc “thoát” mác thao túng tiền tệ lần này có thể giúp các nhà đầu tư Mỹ tự tin hơn trong việc mua các tài sản có lợi suất cao của Trung Quốc.
Liệu tình thế có tuyệt vọng đối với Việt Nam?
Về mặt nào đó, Việt Nam có lẽ đã quá thành công trong việc mở cửa nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam chủ yếu học tập mô hình của Trung Quốc, mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, tạo ra những thứ rẻ tiền cho thị trường Mỹ và cải thiện đời sống cho người dân.
Trong quá trình này, thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng lên đáng kể.
Dù có quan hệ thân tình với Washington, Việt Nam giống Trung Quốc ở nhiều mặt.
Tuy vậy, Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều. Việt Nam cũng là nước quan trọng mà Mỹ cần giữ quan hệ thân thiết trong khi tìm cách kiềm chế một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Nếu Việt Nam cảm thấy quá tệ thì cần xem
Bộ Tài chính Mỹ đang theo dõi những nước nào thao túng: ngoài Trung Quốc còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia. Mới nhất, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ đã được thêm vào danh sách theo dõi.
Do vậy, đây không phải là ngày tận thế đối với Việt Nam.
Chính quyền Biden có thể làm gì?
Cho đến nay, chính quyền Biden chưa thể hiện rõ liệu có tiếp tục chiến dịch gây sức ép của chính quyền Trump đối với Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, nhiều liên đoàn lao động và đảng viên Dân chủ tiến bộ ủng hộ việc áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn hơn đối với các quốc gia cố tình giảm giá đồng tiền của mình để tạo lợi thế thương mại.
Việc giữ nguyên hay bãi bỏ quyết định gắn mác thao túng tiền tệ sẽ tùy thuộc vào quyết định tiếp theo của Bộ trưởng Tài chính.
Tuy nhiên, việc Washington nhanh chóng gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc chỉ vài tháng sau khi xác định Bắc Kinh là “kẻ thao túng tiền tệ” vào tháng 8/2019 – ngay trước khi ký thỏa thuận thương mại song phương vào tháng 1/2020 – cho thấy động thái gắn mác của chính quyền Trump có yếu tố chính trị chi phối.
Như vậy, hoàn toàn có khả năng chính quyền Mỹ có thể ra một báo cáo khác cho trường hợp của Việt Nam vào năm tới.
Bilal Hafeez, Giám đốc điều hành của Macro Hive và là cựu giám đốc chiến lược tại Nomura Holdings Inc., cho biết: “Tôi không nghĩ Janet Yellen (người được Tổng thống đắc cử Joe Biden để cử làm Bộ trưởng Tài chính) sẽ quá lớn tiếng về khía cạnh chính sách tiền tệ”.
Theo hãng Nikkei của Nhật Bản, kết luận trong báo cáo nửa năm của Bộ Tài chính Mỹ đã được nhiều nhà phân tích ngoại hối dự đoán từ trước, song vấn đề này chưa được đưa ra thảo luận với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen có thể sẽ chỉnh sửa những phát hiện trên trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4/2021.
Một quan chức Mỹ khẳng định: “Chính quyền Biden không liên quan đến việc này. Đây là quyết định của chính quyền Trump“.
Win Thin, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại ngân hàng lâu đời BBH ở New York cho rằng báo cáo này đã “hoàn toàn bị chính trị hóa” dưới thời Trump.
Ông nhấn mạnh: “Mọi động thái của Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm đều có thể dễ dàng bị đảo ngược khi Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức”.
Nhiều ý kiến giới phân tích cho rằng việc Bộ Tài chính Mỹ “gắn mác” một số nền kinh tế là thao túng tiền tệ nằm trong ý định của Tổng thống Donald Trump trước khi rời nhiệm sở trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gia tăng thâm hụt của Mỹ với các đối tác thương mại.
Dù Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ bớt “nghiêm khắc” trong các vấn đề thương mại, song chính quyền mới của Nhà Trắng có thể sẽ rơi vào thế khó chính trị nếu ngay lập tức dừng các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ – di sản của chính quyền hiện tại.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> N.P Trọng khơi lại vụ án Tisco II – Hoàng Trung Hải có “run sợ”?
>>> Tổng thống Donald Trump liên tiếp ra đòn nhằm vào Việt Nam
>>> Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’: Hoa Kỳ hay Trung Quốc
Cho công an thẩm tra hàng trăm nhân sự các cấp – Nguyễn Phú Trọng muốn gì?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT