Covid-19: World Bank nói về ‘cú sốc kinh tế’ với Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/DJGybs68SuI

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, World Bank, nói ”không thể phủ nhận” Việt Nam gặp nhiều rủi ro về kinh tế nhưng hy vọng sẽ có phục hồi sau khi dỡ phong tỏa.

Trong phỏng vấn với phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt, bà Dorsati Madani, kinh tế gia cao cấp từ văn phòng World Bank tại Hà Nội, cũng bình luận về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và nhu cầu cần cải thiện các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Sốc nhưng không bất ngờ

BBC: Ngân hàng Thế giới ngày 24/8 nhận định “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay” và rằng “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.

Cuối tháng 8 vừa qua (sau khi World Bank ra đánh giá), Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) công bố một số chỉ số mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ,…đã bị giảm mạnh và truyền thông tại Việt Nam thậm chí nhắc tới “kịch bản kinh tế tăng trưởng âm trong quý III, thậm chí là đà giảm kéo dài tới quý cuối năm”. Vậy theo bà Ngân hàng Thế giới có cần phải điều chỉnh lại các dự báo của mình hay không?

Tôi nghĩ còn hơi sớm để chúng tôi thay đổi dự báo của mình. Tôi nghĩ rằng tất nhiên chúng tôi đã chú ý đến các con số này, số liệu của tháng 8 là khá sốc nhưng không bất ngờ. Và tất nhiên, khi có phong tỏa các khu vực lớn của nền kinh tế thì sẽ gặp phải những sự sụt giảm như vậy. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi và có một sự phục hồi lớn trong quý tới hay không.

Vì vậy, ước tính của chúng tôi dựa trên ý tưởng rằng kinh tế được cải thiện vào lúc tình hình dịch bệnh được chính quyền kiểm soát. Hy vọng rằng vào cuối quý Ba và sau đó, nền kinh tế sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai và điều này cũng sẽ lấy từ kinh nghiệm mà chúng ta đã thấy trong những gì đã xảy ra khi phong tỏa vào tháng 4 năm 2020 và đã có sự phục hồi lớn, phục hồi mạnh mẽ.

Ngoài ra, xin hãy nhớ rằng nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động rất tốt, đã có tăng trưởng rất vững chắc nửa đầu năm nay. Và chúng tôi đã giải thích rằng chúng tôi muốn chờ lâu hơn một chút về số liệu trong tháng 9 và cũng xem Chính phủ Việt Nam quyết định gì liên quan đến việc mở cửa nền kinh tế, và sau đó chúng tôi đưa ra quyết định về điều chỉnh cho dự báo của mình thế nào. Chúng tôi không phủ nhận rằng có rất nhiều rủi ro đối với nền kinh tế trong tương lai trước mắt.

Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) làm việc tại dây chuyền lắp ráp máy điều hòa không khí.

BBC: Gần đây khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nói về những khó khăn rất lớn về kinh doanh trong bối cảnh có các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Là người hẳn có những tiếp xúc và trao đổi với họ, bà nghe được gì về các quan ngại từ họ?

Thì điều đó là dễ hiểu bởi vì bất kỳ ai là một doanh nhân đều muốn doanh nghiệp của họ hoạt động và tạo ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ và hy vọng tạo ra lợi nhuận. Đó là trạng thái tự nhiên của những người làm kinh doanh. Cha tôi là một doanh nhân nên tôi hiểu rõ chứ.

Tôi sẽ nói về một số khía cạnh. Một là khi nhìn vào các con số trong tháng 8, chúng ta thực sự thấy cam kết FDI tăng lên, điều này thực sự báo hiệu một điều rằng nó đang có dấu hiệu rằng các nhà đầu tư quốc tế vẫn quan tâm đến Việt Nam và họ vẫn tin tưởng vào những gì nền kinh tế có thể làm được. Rốt cùng Việt Nam cũng sẽ mở cửa nền kinh tế và sẽ phục hồi. Nhưng hiện tại, ít nhất tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ những con số là họ vẫn quan tâm đến việc đầu tư vào kinh doanh tại Việt Nam.

Thực ra mấy hôm trước tôi đã tham gia vào một sự kiện gặp gỡ các công ty Việt Nam và các công ty quốc tế và các nhà đầu tư bao gồm cả các nhà đầu tư FDI, v.v. Và tôi thấy rất thú vị bởi vì những gì tôi thực sự thấy là rất nhiều công ty quốc tế, các công ty FDI đã xoay sở để điều chỉnh.

Một ví dụ mà chúng tôi đã thấy và thực sự được đăng trên Facebook là Nestle, qua việc cho thấy họ đã điều chỉnh sản xuất như thế nào để giải quyết ít nhất một phần các vấn đề mà họ đang gặp phải khi bị phong tỏa. Và họ cũng thực sự thông báo rằng họ đang mang đầu tư thêm 180 triệu USD nữa vào Việt Nam vì họ tin tưởng vào nền kinh tế.

Vì vậy, tôi nghĩ là đúng là có nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức như tất cả chúng ta về vấn đề phong tỏa, nhưng chúng ta cũng thấy là thực trạng có niềm tin rằng nền kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai. Do đó, họ sẵn sàng đổ tiền vào nền kinh tế trong tương lai. Đã có sự cam kết và quan tâm cho thị trường Việt Nam.

BBC: Có thời điểm gần một phần ba số tỉnh thành của cả nước đã bị phong tỏa. Trong khi một số tỉnh thành như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai… là những nơi đóng góp đáng kể cho GDP của cả nước.

Vâng, đúng là như vậy. Chúng ta không phủ nhận sự thật rằng đã có một cú sốc kinh tế lớn. Không thể phủ nhận điều đó. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh là rất bền bỉ và năng động. Chúng ta còn nhớ Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới vào năm 2020 đã có mức tăng trưởng dương, trong đó tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm.

Khi chúng ta nói về sự phục hồi, chúng ta cần nghĩ về hai điều. Một là động lực tăng trưởng ở Việt Nam, có hai động lực chính. Có tiêu dùng tư nhân, về cơ bản là thị trường nội địa, nhưng cũng có thị trường xuất khẩu. Và khi nhìn vào thị trường xuất khẩu, tất cả các thị trường xuất khẩu chính mà Việt Nam nhắm đến đều đang phục hồi và phục hồi mạnh mẽ. Vì vậy, chúng ta thấy có phương Tây, Trung Quốc và có EU. Cả ba thị trường trong số họ đều đang tăng trở lại. Vì vậy, hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ nhiều khả năng trải nghiệm một sự phục hồi trong tương lai.

Ngoài ra, khi chúng tôi nói chuyện với khu vực tư nhân, các nhà xuất khẩu và khu vực tư nhân, chúng tôi nhận thấy một nhóm rất sáng tạo và rất năng động đã cố gắng thực sự điều chỉnh ở một mức độ nào đó đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Chúng tôi nghe thấy có những công ty có đơn đặt hàng đã được chuyển từ miền Nam ra các tỉnh miền Bắc để sản xuất, bao gồm cả ngành dệt may và chúng tôi cũng nghe tin rằng sản xuất điện tử đang được chuyển ra phía Bắc. Một số công nhân đã bị buộc cho nghỉ việc và có cả việc đưa một số công nhân từ Nam ra Bắc để giúp công ty duy trì sản xuất. Tất nhiên, không phải tất cả ai mất việc cũng được chuyển ra Bắc.

Rõ ràng có các công ty đã bị ảnh hưởng và họ không phủ nhận rằng có việc có các doanh nghiệp đóng cửa. Có bao nhiêu công ty trong số đó sẽ đóng cửa tạm thời? Và bao nhiêu công ty sẽ đóng cửa lâu dài hơn? Thực sự muốn biết được điều này thì phải chờ cho đến khi nền kinh tế mở cửa lại.

Chúng ta cũng nên nhìn vào các công cụ mà chính phủ có như không gian tài khóa. Chính phủ Việt Nam trong vài năm qua, làm rất tốt công việc giảm nợ của họ và cũng thay đổi danh sách các khoản nợ để có thời hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn. Chính phủ cũng có thể giảm thuế hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp để giúp họ. Doanh nghiệp đã được phép giãn hoặc hoãn trả tiền thuế trong năm nay, đó là một điều tốt vì nó cho phép các công ty có nhiều tiền hơn cho các chi phí hàng ngày của họ, đó là một điều tích cực. Vì vậy, họ có các công cụ và may mắn là chúng tôi nghĩ rằng họ có đủ năng lực nếu họ muốn. Nếu họ có thể hỗ trợ nền kinh tế, tổng cầu một khi họ mở cửa nền kinh tế thì sẽ ngay lập tức phục hồi trở lại vị trí và hoạt động trước đó. Đặc biệt là có thể cần điều chỉnh lĩnh vực bảo trợ xã hội như hỗ trợ các hộ gia đình mạnh mẽ hơn nhằm tạo ra hỗ trợ về cơ bản cho tổng cầu khi họ sắp thoát khỏi tình trạng phong tỏa.

BBC: Bà vừa đề cập việc hỗ trợ cho hộ gia đình. Bà có thể nói rõ hơn về điểm này được không?

Vâng, về cơ bản Chính phủ đã công bố hai gói hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Một vào tháng 4 năm 2020 và một vào tháng 7 năm 2021. Một trong những điều chúng tôi nhận thấy khi xem xét kỹ hơn là thứ nhất các gói hỗ trợ tương đối nhỏ, thứ hai là có vấn đề về chọn đối tượng hỗ trợ. Vấn đề nữa là hệ thống bảo trợ xã hội ở Việt Nam.

Thật không may là nó không được phát triển như nó có thể phát triển. Và do đó, có vấn đề với việc xác định và cũng như tiếp cận và tìm kiếm người dân và yêu cầu họ đăng ký là người đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ. Vì vậy, tất cả những điều này là do các vấn đề triển khai, sự hỗ trợ tài chính dự kiến ​​đã không thực sự đến được với nhiều người như mong đợi.

Vì vậy, một trong những điều chúng tôi cho là quan trọng trong tương lai là các cơ quan chức năng phải suy nghĩ về việc cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội của mình, cả về phạm vi bao phủ cũng như số lượng và cả mục tiêu, hiệu quả mà họ có thể xác định và triển khai các chương trình cho những người thụ hưởng đã được xác định. Để làm được điều đó, một trong những điều họ có thể làm là sử dụng công nghệ, giúp mọi người đăng ký trực tuyến thông qua điện thoại của họ. Làm cho việc nhận dạng dễ dàng trên các phương tiện điện tử phổ biến thay vì cố gắng đăng ký trực tiếp mọi người.

Điều tương tự cũng có thể nói về việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Nếu bạn đang hỗ trợ tài chính cho người ta, bạn có thể thay vì cố gắng thực hiện trực tiếp, có lẽ tốt hơn có thể gửi tiền thông qua ứng dụng điện thoại hoặc thông qua hệ thống ngân hàng điện tử. Và điều đó sẽ an toàn hơn nhiều. Nó sẽ minh bạch, nó sẽ có thể theo dõi được, và chúng tôi nghĩ nó sẽ đến tay người nhận hỗ trợ nhanh hơn.

Vì vậy, đó là ý của tôi khi nói về bảo trợ xã hội, về mặt cải thiện toàn bộ hệ thống nói chung không phải chỉ cho cuộc khủng hoảng này mà còn cho tương lai. Và vì vậy việc có một hệ thống bảo trợ xã hội phát triển hơn là một điều tốt.

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58559432