Link Video: https://youtu.be/A5uXwdjFQrc
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hôm 20/1 công bố thông tin chi tiết cho biết Công ty Cổ phần Việt Á đã nhập khẩu ba triệu kit test nhanh xét nghiệm COVID-19 mới 100% từ Trung quốc với giá 0,955 đô la một test, tương đương 21.560 đồng một test. Lô hàng nhập khẩu có tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Các lãnh đạo công ty Việt Á là Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, và Vũ Văn Hiệp, Phó tổng giám đốc công ty, hiện đang bị khởi tố hai tội là “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Công ty Cổ phần Việt Á được báo chí Nhà nước Việt Nam ca ngợi vào năm 2020 vì đã sản xuất ra bộ kit xét nghiệm COVID-19 loại PCR đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận, và được Bộ Y tế cấp số đăng ký. Trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thậm chí còn đăng tin chính thức về việc WHO chấp thuận bộ kit của Việt Á.
Tuy nhiên sau khi những sai phạm của Việt Á được phát hiện vào khoảng cuối năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lên tiếng đính chính rằng không có chuyện WHO chấp thuận kit xét nghiệm của Việt Á.
Theo điều tra của Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo truyền thông Nhà nước, khi giới thiệu về bộ kit xét nghiệm lúc đầu, ông Phan Quốc Việt đã tự định giá kit là 400.000 đồng đến 600.000 đồng một bộ.
Sau đó, vào ngày 13/7/2021, Bộ Y tế có văn bản do ông Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, khả năng cung ứng và giá bán kit test và đặt kit test của Việt Á vào vị trí số một trong danh sách.
Kèm theo công văn của Bộ Y tế là giá bán công bố của bộ kit test là 470.000 đồng một bộ áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 bộ.
Hiện không rõ bộ kit test nhanh được Việt Á nhập về đã được bán thế nào, nhưng giá một lần xét nghiệm nhanh được Bộ Y tế quy định là 280.000 đồng.
Tuy nhiên, theo truyền thông Nhà nước, tại một số bệnh viện tư, giá này có thể lên đến 390.000 đồng một lần.
Liên quan đến vụ án tại Công ty Cổ phần Việt Á, Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 19 người với các cáo buộc tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, và tội về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có ba lãnh đạo thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) và Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngoài ra, ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiến lên đến 27 tỷ đồng.
Hôm 7/1, truyền thông Nhà nước trích dẫn thông tin từ Bộ Công an theo lời khai của ông Phan Quốc Việt cho biết, Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 lên thêm khoảng 45% và đưa hối lộ cho các “đối tác” 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên thông tin không cho biết cụ thể những người nào đã nhận hối lộ.
Trả lời trước Quốc hội hôm 18/1, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết: “Các đối tượng liên quan đến vụ án này rất nhiều nên chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án. Làm đến đâu công bố công khai cho công luận đến đó và điều chỉnh các quy định kịp thời liên quan đến mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, sinh phẩm chống dịch”.
Vụ án ở Việt Á được xác định là nghiêm trọng và vào ngày 29/12/2021 đã được đưa vào diện được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản VN theo dõi, chỉ đạo.
Báo Lao Động hôm 20-12-2021 có đặt câu hỏi rằng:“Bộ KHCN, Bộ Y tế cho biết kit của Công ty Việt Á sản xuất hay ở đâu ra?”
Bài báo hỏi thẳng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế rằng “kit xét nghiệm của Công ty Việt Á có do doanh nghiệp này sản xuất hay mua ở đâu về lắp ráp?
Bởi vì, các nhà máy của Công ty Việt Á ở đâu, sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 theo quy trình công nghệ gì, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế chắc chắn đã đi kiểm tra nhà máy, quy trình, nên mới công nhận, cấp phép.
Riêng phóng viên Báo Lao Động đi đến các địa chỉ của Công ty Việt Á tại TPHCM và Bình Dương thì không dám nghĩ đó là cơ sở sản xuất kit xét nghiệm COVID-19, mà là cái kho chứa đồ phế thải.
Thời gian nghiên cứu từ tháng 2.2020 – 10.2021, nhưng ngày 3.3.2020, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.
Một tháng đã nghiên cứu thành công một công trình khoa học quan trọng như trên thì xứng đáng đươc trao giải cỡ thế giới.
Nêu lại thông tin này để thấy rằng, việc công bố thành tựu khoa học kit test trên là ngụy khoa học, là “dối trên, gạt dưới”.
Còn nữa, Bộ KHCN phải trả lời cho rõ, kit test Việt Á nhập từ Trung Quốc, vậy thì 19 tỉ đồng sử dụng để nghiên cứu những gì?” báo Lao động nêu câu hỏi.
Trên FB cá nhân, nhà báo Mai Bá Kiếm bình luận vụ việc với tựa đề “Cháy nhà ra mặt… khỉ đột!”
Từ khi khởi tố vụ án Công ty CP Công nghệ Việt Á vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tôi mong báo cáo của Hải quan về việc nhập Kit test của Việt Á còn hơn hồi nhỏ trông má đi chợ về!
Tối 20/01/2022, Tổng cục Hải quan phát thông tin về số liệu nhập khẩu của Việt Á liên quan vụ kit xét nghiệm Covid-19 bằng các thống kê ngắn gọn nhưng nói ra nhiều sự thật!
Phan Quốc Việt là giám đốc Công ty Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên GĐ trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty CP Công nghệ Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm…
Như vậy, Việt Á đếch có chuyên môn sâu và có dây chuyền sản xuất thí nghiệm chuẩn để chế tạo ra kit test. Bằng chứng, xưởng sản xuất của nó chỉ có 10m2, mười công nhân và hai tủ lạnh dùng cho thực phẩm.
Vậy mà, chỉ trong tháng 3 và 4/2021, bộ KH&CN của Chu Ngọc Anh đã mang “mặt nạ khỉ” giả mạo “Tề Thiên” giao đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp ngân sách 20 tỷ đồng cho Học viện Quân y nghiên cứu thử nghiệm Kit test và hô biến nghiệm thu đề tài chỉ sau một tháng.
Bộ Y tế cũng mang “mặt nạ khỉ” giả mạo Tề Thiên, bứt cọng lông thổi cái phù biến ra giấy phép “đăng ký lưu hành cấp cho sản phẩm kit test của Việt Á”.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính (Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test – Colloidal Gold) mới 100% từ Trung Quốc, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test), tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Ngoài que “ngoáy mũi”, trong 5 năm (2017-2021) đã nhập “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm” với tổng kim ngạch 286 tỷ đồng.
Như vậy, Việt Á chỉ nhập tổng cộng 286 tỷ đồng thiết bị, nguyên vật liệu về pha trộn 5 loại hóa chất, ghép thành “bộ kít test PCR” để bán cho 62 CDC tỉnh thành và các BV, TTYT thu về 4.000 tỷ. Bỏ 286 tỷ đồng thu về gần 4.000 tỷ đồng, chi hối lộ 800 tỷ đồng, dù không biết bộ kit này có đạt chất lượng không?
Vậy mà, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời do mải chống dịch không để ý giá kit test! Bộ trưởng Long mải đếm tiền hay mải chống dịch, có ngon hãy đến Lăng Ông Bà Chiểu thề đi?
Bộ KHCH bịa đặt thông tin WHO chấp thuận Kit Test Việt Á và nước Anh đặt mua của Việt Á, khi đổ bể ra lại đổ thừa do tin vào thông tin báo chí (ca ngợi, bơm xịt Việt Á). Chu Ngọc Anh cũng ra Lăng Ông Bà Chiểu thề đi!” – Nhà báo Mai Bá Kiếm đưa ra yêu cầu.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Giải thưởng Martin Ennals 2022 được tặng cho nhà báo Phạm Đoan Trang
>>> Nhân viên y tế! Ráng chờ trí nhớ Thủ tướng hồi phục
>>> ‘Nhà luật’ và diện mạo kinh tế thị trường định hướng XHCN
Bị giam ở Việt Nam, từ khoẻ mạnh bỗng thành suy sụp
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT