Phóng viên: Anh là người đã tham gia buổi họp chuẩn bị thành lập „Liên đoàn người Việt tại Đức“ hôm 17.12.2022 ở Berlin, vậy anh cho biết quan sát của mình
Đại biểu: Tôi đến dự rất đúng giờ, nhưng phải đợi thêm 1 tiếng nữa thì chương trình mới bắt đầu, số lượng người tham dự rất ít, có lẽ phải vắng mặt tới 50% so với con số hội viên sáng lập ban đầu hôm 18.8.2022 ở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Thông tin cho biết, chỉ có 23 trên tổng số 40 người trong danh sách hội viên sáng lập tới dự. 17 người đã bỏ hoặc vắng mặt có và không có lý do.
Ban lãnh đạo trù bị có 10 người thì 3 người đã viết thư thông báo bỏ không tham gia từ trước rồi, đó là Giáo sư Nguyễn Xuân Thính, Ts. Nguyễn Sỹ Phương, Bà TGĐ TTTM Thái Bình Dương, cựu sinh viên toán trường ĐHSP HN Trịnh Thị Mùi.
Ngay tại Đại hội trù bị thì ông Nguyễn Đức Thắng làm nghề phiên dịch cũng công bố rút, không tham gia nữa, nó như một gáo nước lạnh dội vào ông Hiền, Trưởng ban. Sau đó mọi người có biểu quyết không cho ông Thắng rút, nhưng ông Thắng vẫn cương quyết rút không muốn tham gia nữa. Tôi nghĩ cũng kỳ, đây là việc thành lập một tổ chức thiện nguyện thì phải tôn trọng ông Thắng chứ, sao lại có thể biểu quyết để ép ông ấy tham gia được, trong khi ông ấy không muốn nữa. Tôi cũng hiểu, ông Thắng làm nghề phiên dịch tuyên thệ cho cảnh sát, tòa án, công sở Đức, nên ông ấy phải trung lập, chứ không thể tham gia vào cái hội do Đại sứ quán giật dây để dựng ra được, nó trái với luật về hội đoàn e.V. của Đức.
Như vậy ban lãnh đạo từ 10 người, nay còn có 6, những người có trình độ Đại học và trên Đại học đã ra hết, gần như không còn ai cả.
Phóng viên: Điều gì làm anh thấy ấn tượng nhất ở Đại hội trù bị lần này?
Ngay từ đầu tôi thấy rất lạ, là ai đến dự cũng đều được phát cho một cái thẻ để biểu quyết, chỉ trừ có nhân viên ĐSQ là không. Trên phiếu in hình Logo của chợ Đồng Xuân Berlin tổ chức 40 năm hội nhập từ thời 2015, điều này tôi thấy hơi vô lý, đáng lẽ chỉ có hội viên tham gia mới có thể nhận thẻ biểu quyết thôi, chứ mấy khách mời dự họ có liên quan đến hội đâu mà cũng biểu quyết điều lệ!
Khi góp ý về điều lệ hội thì tôi không nhận được bản in trước đó, mà họ chỉ phát hình lên phông chiếu rồi giơ cái thẻ lên để biểu quyết thôi. Như vậy là thiếu sự chuẩn bị cho đại biểu vì họ không có nội dung để đọc và xem trước. Nhiều cá nhân và đại diện hội đoàn đã lên tiếng phản đối nội dung trong bản điều lệ này.
Ông Trưởng ban cũng cho biết họ đã phải có tới 10 buổi làm việc, nhiều hôm đến 1 giờ sáng để viết ra điều lệ dựa trên mẫu về hiệp hội của Đức và điều lệ của „Liên hiệp hội người Việt toàn châu Âu“ chỗ ông Hoàng Đình Thắng bên Séc, nhưng tôi nghĩ nếu chỉ chép lại điều lệ từ những nơi khác thì tập trung làm 1 buổi là xong, thời gian kéo dài như thế có thể là do các ông ấy không biết làm.
Vấn đề tiếp theo là ngay từ đầu họ đã tranh cãi kịch liệt về cái tên, tại sao lại đặt là „Liên đoàn“, nó là từ Hán Việt, rất tối nghĩa với bên này, vì ở Đức làm gì có kiểu „Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh“ như ở Việt Nam mà lại thành Liên đoàn được? bên này chỉ có Hiệp hội thôi.
Tôi cũng quan sát thấy rất nhiều đại diện Hiệp hội và các cá nhân hoạt động tích cực ở những bang ngoài Berlin đã không đến nữa, còn lại toàn những người quen mặt quanh mấy cái chợ ở Berlin thôi, có lẽ họ thấy được điều gì đó bất ổn phía sau, khi Đại sứ quán can thiệp quá sâu để dựng lên cái hội này.
Phóng viên: Anh có thấy sự xuất hiện của Đại diện Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam ở Đại hội ?
Có, tôi có thấy ông Tính – Mặt trận ngồi ở bàn Chủ tịch, ông đó tôi biết, vốn là chủ tiệm ăn nhỏ, hay nói ngọng L với N, đọc và viết tiếng Đức cũng kém lắm, cũng là kiểu người háo danh thôi, nhưng được cái vô hại.
Phóng viên: Bên Đại sứ quán có ai đến không ?
Ồ, họ đến rất đông, khoảng 8 người đầy 1 bàn luôn. Ông Đại sứ Vũ Quang Minh thì là dân ngoại giao chuyên nghiệp, lên phát biểu „vuốt ve“ ông Hiền chủ chợ Đồng Xuân lắm, thấy nói Tết này ông Hiền được mời về cùng kiều bào dự Tết „ Xuân quê hương“ với Chủ tịch nước.
Mà tôi thấy cũng lạ, giàu có và không phụ thuộc gì Việt Nam, cỡ như ông Hiền, lại lớn tuổi hơn ông Đại sứ Minh gần chục tuổi mà cứ phải „thưa gửi“ như thế, với vị thế của ông ấy thì còn hơn cả ông Hoàng Đình Thắng bên Cộng hòa Séc. Đại sứ quán cần ông ấy để tiếp khách trong nước sang và quan hệ với cộng đồng ở đây. Ông ấy cứ mạnh mẽ lên, tự kêu gọi và tổ chức hẳn một cái Tổng hội riêng ở nhà văn hóa rất đẹp xây sắp xong tại chợ Đồng Xuân Berlin, chẳng cần cầu cạnh gì Sứ quán cả, nếu cái hội mà ông ấy lập ra hoạt động thực sự „phi lợi nhuận, phi chính trị“ và vì cộng đồng thì sẽ có rất nhiều người theo ủng hộ, ông ấy phải làm đến Chủ tịch Liên hội toàn châu Âu, chứ không phải cái chân phó như bây giờ. Nhưng nếu lại thành „có lợi nhuận, có chính trị“ thì khó.
Phóng viên: Anh có thấy văn phòng tùy viên quốc phòng quân đội nhân dân Việt Nam tại Đức đến dự không?
Có, tôi thấy vợ chồng Đại tá Nguyễn Tuấn Minh, trưởng văn phòng tùy viên có đến, cậu đó đẹp trai, nhỏ nhẹ và nghe đâu là người của Tổng cục 2, Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng.
Phóng viên: Cám ơn anh đã trả lời phỏng vấn của Thoibao.de
Berlin 17.12.2022