Link Video: https://youtu.be/VZxvvQ8P034
Tính đến tháng 6/2022 có khoảng 477.000 người Việt Nam sống tại Nhật Bản, đa số trong số đó là thực tập sinh đến làm việc. Chương trình thực tập sinh, tu nghiệp sinh tại Nhật thường được ca ngợi là chương trình giúp cho người lao động nghèo đổi đời, và quả thật là có đổi đời thật. Rất nhiều những ngôi làng ở nông thôn miền Bắc, miền Trung đã trở nên khang trang, giàu có hơn khi có con em họ đi Nhật theo chương trình này. Nhưng có phải tất cả chỉ có màu hồng thôi không?
Vào khoảng tháng 1/2022, một video ghi lại cảnh một thực tập sinh Việt Nam bị các đồng nghiệp người Nhật một cách thô bạo đến mức gãy xương chỉ vì anh này không hiểu tiếng Nhật, không thể nói tốt tiếng Nhật. Thực tập sinh này 41 tuổi, sang Nhật từ năm 2019 và làm việc tại một công ty xây dựng thuộc tỉnh Okayama. Anh bắt đầu bị đánh từ khoảng 1 tháng sau khi bắt đầu làm việc, bị đối xử như súc vật và tình trạng này đã kéo dài trong 2 năm. Công ty nơi anh làm việc và đoàn thể thì làm lơ với hành động bạo lực này. Trả lời báo chí sau đó, anh nói rằng, không dám báo cảnh sát vì sợ bị trả thù, sợ bị đuổi về Việt Nam. Công ty thuê thực tập sinh này làm việc đã thừa nhận hành vi và đã bồi thường cho nạn nhân.
Nhưng vì sao một người trưởng thành bị đánh đập, bị bạo hành suốt 2 năm lại phải cắn răng nhẫn nhịn?
Có 4 lý do chính khiến người đi xuất khẩu lao động phải chịu đựng:
- Đa số người lao động xuất khẩu có trình độ văn hóa thấp, khả năng ngoại ngữ kém nên không hiểu rõ tiếng bản địa, do đó họ thường xuyên bị coi thường.
- Người lao động không được trang bị kiến thức về luật pháp nước sở tại, nên bị bạo hành mà không dám phản kháng, không dám báo cảnh sát. Họ lo sợ rằng họ than cô thế cô, sợ sẽ bị trả thù.
- Người lao động khi bước chân ra đi thì đều phải vay ngân hàng để đóng các khoản đóng, trung bình từ một đến vài trăm triệu. Vì khoản nợ này, họ phải cắn răng chịu đựng để được ở lại làm việc. Nếu phải về sớm, họ và gia đình họ không thể trang trải nổi số nợ nần này.
- Không có một tổ chức, một đoàn thể nào đứng ra bảo vệ người lao động khi họ ở nước ngoài. Các công ty môi giới xuất khẩu lao động chỉ chăm chăm vào việc thu tiền chứ không quan tâm đến tình trạng của người lao động khi làm việc xứ người. Nhà nước Việt Nam độc quyền tổ chức công đoàn, không cho phép các công đoàn độc lập hoạt động, nên khi ra nước ngoài, người lao động không biết cách tự tổ chức công đoàn để bảo vệ lẫn nhau. Họ cũng không được các nghiệp đoàn của nước sở tại quan tâm giúp đỡ.
Từ vụ việc thực tập sinh Việt Nam bị bạo hành, một hội đồng của Chính phủ Nhật Bản được thành lập và được giao nhiệm vụ xem xét lại chương trình thực tập sinh nước ngoài. Nhiệm vụ của hội đồng này là giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền, trong đó có nhiều vụ xâm hại bạo lực đối với công nhân Việt Nam, họ và sẽ soạn báo cáo cuối cùng vào khoảng mùa thu 2023.
Những vụ bạo lực có liên quan đến công nhân Việt Nam đã dấy lên những chỉ trích tại Nhật Bản rằng, chương trình thực tập sinh chỉ là công cụ để các công ty Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ, thay vì chuyển giao kỹ năng cho các quốc gia đang phát triển như công bố của chương trình. Chị Nga – một thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản nói: “Họ nghĩ chúng tôi đến từ các nước nghèo nên họ có thể yêu cầu chúng tôi làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Chị Nga cho biết, chị thường xuyên bị giam lương và phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng, đây là số giờ vượt mức quy định của luật pháp Nhật.
Theo số liệu thống kê, từ cuối năm 2019 đến nay, Việt Nam là quốc gia có số lượng thực tập sinh nhiều nhất tại Nhật Bản, chiếm 53,2%, vượt qua cả Trung Quốc.
Không chỉ riêng ở Nhật Bản, những vụ bạo hành tương tự như vụ kể trên đối với lao động Việt Nam xuất khẩu cũng đã xảy ra ở các nước khác như Đài Loan, Hàn Quốc hay Malaysia… Nhưng chưa bao giờ thấy Chính phủ Việt Nam lên tiếng, chưa bao giờ thấy Liên đoàn Lao động Việt Nam lên tiếng, trước những vụ việc trên. Phải chăng họ đang còn bận đếm xem sẽ thu được bao nhiêu tiền từ công sức của con dân họ? Các đại sứ quán tại nước sở tại cũng không bao giờ thấy xuất hiện giúp đỡ công dân mình. Phải chăng họ đang bận suy tính để đẻ thêm các khoản phí có thể thu được trên lưng những con người xa xứ?
Trong khi đó, trước miếng bánh ngon, Đoàn Thanh niên Cộng sản cũng đang lăm le nhảy vào chia phần. Họ ra nghị quyết đẩy thêm 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động, mục đích rất rõ ràng, họ coi đó là thu ngoại tệ.
Người Việt đi xuất khẩu lao động hoàn toàn bơ vơ nơi xứ người, chịu đủ tầng bóc lột, từ trong nước đến nước ngoài.
Quốc Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Võ Văn Thưởng sẽ làm gì cho cánh miền Nam khi đang bị dính vào ông Tổng?
>>> Phan Văn Mãi thách thức, liệu ai dám “ho he”?
Vinfast VF8, phiên bản lỗi vẫn lấy lòng người Việt, vì sao?