Link Video: https://youtu.be/gRQVwjj7uYc
Hôm 29/12, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã công bố rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng cao ngất ngưởng, ở mức 8,02%, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng đề ra đầu năm là 6,0% đến 6,5%.
Tương tự các quốc gia Cộng sản khác, như Trung Quốc chẳng hạn, Việt Nam luôn đưa ra những con số tăng trưởng hàng năm rất cao, bất chấp những thực tế như suy thoái kinh tế hay bất ổn thị trường tài chính. Năm nay cũng vậy, mức tăng trưởng khó tin hơn 8% vẫn được Chính phủ công bố, cho dù các ngành sản xuất và xuất khẩu đang gặp khó khăn. Việt Nam cho rằng, mức tăng trưởng này có được do doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho rằng, “Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế” trong năm 2022. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; các ngành dịch vụ chiếm 11,88%. Tuy nhiên, nếu nông, lâm nghiệp và thủy sản được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế thì dường như có gì đó sai sai. Vì chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam bao năm nay không coi trọng nông nghiệp, nghề nông suy thoái, sản phẩm nông nghiệp bị hàng hóa Trung Quốc lấn lướt. Lâm nghiệp cũng không còn sản phẩm gì vì rừng đã bị phá tan hoang, gỗ tự nhiên đã không còn, gỗ trồng thì chất lượng kém và không đồng đều. Tương tự, thủy sản cũng tan nát, vì biển ô nhiễm, ngư dân đánh bắt xa bờ bị Trung Quốc hãm hại, ngư trường truyền thống không còn. Thủy sản nuôi trồng thì bị ô nhiễm, kém chất lượng.
Hãng tin Reuters cho rằng, cho dù nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên qua, nhưng nó đang phải đối mặt với những cơn gió ngược phía trước, do nhu cầu toàn cầu đang suy thoái nên ảnh hưởng đến nền sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã ngấm đòn suy thoái từ giữa năm đến nay. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, giày da… đang bị mất đơn hàng dẫn tới công nhân thất nghiệp hàng loạt.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, cố vấn Chính phủ, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho báo chí biết rằng, “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào năm tới”. Tiến sỹ Lực cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường một lượng lớn tiền vào cuối năm, cũng gây nên áp lực lạm phát, và “Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hàng hóa mà giá vẫn còn cao, do đó cũng đẩy áp lực lạm phát cao hơn”.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước tính khoản 109 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch ước đạt 119 tỷ USD. Theo số liệu chính thức của Việt Nam công bố, năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD, cao hơn mức 3,32 tỷ USD của năm ngoái.
Và như thường lệ, vẫn luôn có những tiến sỹ mà cộng đồng mạng gọi là “bưng bô” ca ngợi cho thành tích của Đảng. Trên website Báo Điện tử Chính phủ có bài viết dẫn lời tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê rằng, “Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét “khác biệt đáng tự hào”, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp”. Tiến sỹ Lâm gọi mức tăng trưởng này là “kỳ tích”. Bình luận về phát ngôn này, một nick ẩn danh cho rằng, có lẽ tiến sỹ Lâm chưa bao giờ đi chợ nên không biết thực tế giá cả thị trường.
Quốc Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tô Lâm cùng Nguyễn Văn Nên làm việc với Công an TP. HCM, Sài Gòn sắp “bùm” vụ gì?
>>> “Ngày phán xét” đã lên lịch, 2 thanh củi gộc chờ ngày đốn
Du lịch Việt gặp khó năm 2022, Chính phủ tìm giải pháp qua hội thảo