Giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu trong năm 2023 có giúp ổn định được kinh tế vĩ mô?

Từ 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng một lít theo Nghị quyết vừa được Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 30/12, báo chí trong nước đưa tin.

Bài báo nói về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Theo Nghị quyết này, Thường trực Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn,… so với mức trần trong biểu khung thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế này là phương án mà Ủy ban Tài chính ngân sách trực thuộc Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt sau nhiều cân nhắc, thẩm tra từ đề xuất của Chính phủ.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Giá xăng dầu ở Việt Nam hiện đang được tính theo phương thức: giá CIF – tức là giá nhập khẩu thành phẩm, giao nhận tại cảng Việt Nam; thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng từ 8% – 10% tùy loại; thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đến 4.000 đồng một lít tùy theo loạt và tùy theo mức áp thuế; và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Tính gộp, giá xăng dầu phải chịu tỷ trọng tổng các mức thuế vào khoảng từ 40% đến 53%

Biểu khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt bắt đầu tính từ năm 2014, cụ thể với xăng E5 RON92 là 8%, xăng RON95 là 10%. Thuế bảo vệ môi trường bắt đầu áp dụng năm 2010, trước đây, xăng E5 RON92 chịu 3.800 đồng một lít, RON95 chịu 4.000 đồng một lít. Không chỉ có thuế, giá xăng còn phải gánh thêm các loại phí khác, như: Quỹ bình ổn giá, chi phí định mức…

Như vậy, giá xăng dầu đang phải gánh chịu nhiều loại thuế cùng lúc, và điều vô lý là phải chịu thuế chồng thuế. Nghĩa là, từ giá CIF tính thêm 10% thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,… giá thành sau khi chịu các loại thuế này mới tính thuế VAT. Vì vậy, tỷ trọng thuế thực tế cao hơn nhiều so với việc cộng các tỷ suất của từng loại thuế lại.

Với đề xuất mới giảm thuế môi trường lần này, tính toán của Chính phủ cho thấy, giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm tương ứng từ 770 đồng đến 3.300 đồng một lít, đã bao gồm thuế VAT giảm theo. Cũng do việc giảm thuế, ước tính, ngân sách năm 2023 sẽ giảm thu gần 56.000 tỷ đồng bao gồm giảm thuế VAT. Trong đó, giảm từ thuế bảo vệ môi trường gần 51.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết để kịp trình ký trong ngày 31/12, và áp dụng từ 1/1/2023, truyền thông nhà nước đưa tin.

Bất ổn do thiếu xăng dầu kéo dài nhiều tháng trong năm 2022

Năm 2022, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã trải qua 34 kỳ điều chỉnh của liên bộ Công thương – Tài chính. Thuế bảo vệ môi trường cũng đã giảm 2 lần trong tháng 4 và tháng 7. Việc này cũng đã giúp giảm giá bán lẻ xăng dầu, góp phần giảm giá thành sản phẩm và giảm lạm phát. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước đã trải qua những biến động lớn trong năm 2022. Từ những đợt giá xăng tăng vọt vào những tháng giữa năm, cho đến giai đoạn khủng hoảng thiếu xăng dầu kéo dài nhiều tháng vào giai đoạn nửa cuối năm. Tất cả cho thấy sự lúng túng trong điều hành của Chính phủ và sự bất ổn từ việc thiếu nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia trầm trọng. Xăng dự trữ đã ít, chỉ đủ dùng trong 7 ngày, lại còn phải gửi nhờ vào kho của doanh nghiệp đầu mối dẫn tới mất kiểm soát.

Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường này chỉ áp dụng trong năm 2023. Sang đầu năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức thuế của xăng là 4.000 đồng một lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng một lít.

Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một tín hiệu tích cực cho thấy nhà nước đang tìm những giải pháp để giúp phục hồi kinh tế trong năm 2023. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện tại có quá nhiều vấn đề, sự suy thoái đã quá mức trầm trọng, nếu chỉ giảm thuế cho xăng dầu thì liệu có đủ để thúc đây kinh tế phục hồi hay không? Có lẽ là khó.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)