600 ha trồng sâm và sự dối trá của Võ Kim Cự

Sáng 8/1/2023, facebooker nổi tiếng Nguyễn Xuân Diện đã đăng status với nội dung:

“Tập đoàn Sâm Ngọc Linh Việt Nam tuyên bố sở hữu vườn sâm 600 ha lớn nhất thế giới trên đỉnh núi Ngọc Linh. Thực chất chỉ là trồng trên giấy. Và có liên quan đến Võ Kim Cự”.

Status của ông Nguyễn Xuân Diện nhận được 3.000 lượt cảm xúc (like, cười, ngạc nhiên..), 141 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Bài báo đăng tin “doanh nghiệp trồng sâm trên giấy”

Sâm Ngọc Linh là một loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, có cấu trúc mới không giống các loại sâm khác, là một loại sâm quý, hợp chất đa dạng và có tác dụng với sức khỏe con người. Trên thị trường, sâm Ngọc Linh có giá còn đắt hơn cả giá của nhân sâm Hàn Quốc. Sâm Ngọc Linh tự nhiên mọc tập trung tại các huyện miền núi Ngọc Linh, gồm huyện Đắk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà Mi tỉnh Quảng Nam.

Tập đoàn Sâm Ngọc Linh Việt Nam – tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam được thành lập vào tháng 3/2022. Tuy mới thành lập, nhưng Công ty này đã tuyên bố, họ sở hữu hơn 7.000ha vùng trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh, sở hữu vườn sâm Ngọc Linh đã trồng là 600 ha. Ngoài ra, Công ty còn tham vọng mở 300 showroom trên cả nước và 35 showroom ở nước ngoài chuyên bán sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, chiêu trò của Công ty này, cũng giống các công ty kinh doanh sâm Ngọc Linh khác, là ký kết hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng sâm, rồi bảo đấy là đất trồng sâm của họ.

Tập đoàn sâm Ngọc Linh khai trương showroom tại Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự là người có mũi tên chỉ vào

Thực tế, Tập đoàn này chưa có hecta sâm nào được trồng, tất cả chỉ là “trồng trên giấy”. Việc liên kết giữa họ với các hộ dân trồng sâm cũng chưa được ký kết và không được chính quyền địa phương xác nhận.

Thủ đoạn của Công ty này đã bị báo chí phanh phui, kết quả là, Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum – một công ty con thuộc Tập đoàn sâm Ngọc Linh Việt Nam, đã bị UBND huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, thu hồi giấy phép đã cấp cho Công ty này vào ngày 30/5/2022.

Lý do thu hồi: Giấy phép chưa đúng quy định vì chưa thông qua thẩm định và có nội dung chưa đúng thực tế. Quyết định thu hồi được đưa ra vào ngày 5/1/2023.

Giấy phép bị thu hồi có nội dung: “Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông”.

Bài báo đăng tin thu hồi giấy phép kinh doanh

Báo chí dẫn lời UBND huyện Tu Mơ Rông nói rằng, việc triển khai đưa sâm nuôi cấy mô ra trồng thử nghiệm dưới tán rừng của Bộ Khoa học và Công nghệ mới chỉ được 4 năm, nên chưa có cơ sở khoa học để kết luận đã khai thác được sâm.

Hiện tại, diện tích trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum mới chỉ là 60ha và do người dân đảm nhận, không liên quan đến Tập đoàn sâm Ngọc Linh. Tương tự, tại Quảng Nam, cũng không có diện tích trồng sâm của Tập đoàn này.

Trước đó, ngày 16/12/2022, báo Hà Tỉnh đưa tin, Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tổ chức khai trương 2 Showroom Võ Kim Đường tại địa chỉ 07, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh, và tại 697 đường Lê Đại Hành, thị xã Kỳ Anh. Tờ báo này “nổ”: “Với hành trình gần 10 năm nghiên cứu và phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh uy tín, chất lượng, Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam đem tâm huyết cùng niềm tự hào mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhất trong hệ sinh thái sâm Ngọc Linh”.

Không hiểu nổi, một Tập đoàn với thành lập được 10 tháng, lấy đâu ra 10 năm nghiên cứu? Dự án trồng sâm ở Kon Tum của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mới chỉ được 4 năm và Bộ này cũng chưa dám khẳng định sâm đã đến độ để khai thác.

ông Võ Kim Cự dự lễ khai trương showroom

Buổi khai trương Showroom rầm rộ của Tập đoàn sâm Ngọc Linh có đông đảo quan chức Hà Tĩnh đến dự. Phải chăng, vì đó là tập đoàn của ông Võ Kim Cự – cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh?

Cần nhắc lại, năm 2008, ông Võ Kim Cự là người đã ký giấy phép cho Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh, thời hạn lên đến đến 70 năm, khi chưa được Chính phủ đồng ý và không có Bộ ngành nào thẩm định. Sau khi xảy ra vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm vùng biển của 4 tỉnh miền Trung, ông Cự vẫn tìm đủ lý do để lấp liếm chứ không nhận sai. Sau đó, ông bị kỷ luật và cách hết mọi chức vụ.

Thói quen dối trá, bịa đặt từ khi còn làm quan vẫn nằm nguyên trong máu của ông Cự, và giờ đây, khi chuyển sang kinh doanh, ông vẫn giữ nguyên thói lừa dối đó.

Trong một Status ngày 9/1, facebooker Nguyễn Đình Bổn đã đề xuất: “cần xử phạt Võ Kim Cự về tội bịa đặt, đánh lừa người tiêu dùng, và cần điều tra Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh về tội làm hàng giả”.

Theo chúng tôi, ý kiến này là xác đáng.

 

Chúc Anh – thoibao.de (Tổng hợp)