Kinh tế tăng trưởng 8%, dân không có tiền ăn Tết

Ngày 8/1, trang tin điện tử “Đảng bộ thành phố HCM” có bài ca ngợi các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của thành phố.

Trang tin này nhận định, “năm nay đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa có tăng hơn năm trước, tiền lương cũng chưa đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình, nhiều bạn trẻ không có điều kiện về quê đón Tết”.

Bài trên trang tin điện tủ “Đảng bộ TP. HCM”

Trang này viết tiếp: “Với tinh thần là không để hộ dân nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Minh Tuấn cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã chủ động xây dựng kế hoạch từ sớm; phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội rà soát, lập danh sách các diện được chăm lo Tết tránh bỏ sót cũng như hạn chế trùng lắp, đặt yêu cầu công tác chăm lo Tết phải đảm bảo công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và đúng đối tượng.”

Trang tin kể về các hoạt động của Liên đoàn Lao động TP. HCM như: tặng 30.000 vé tàu, xe, máy bay cho công nhân về quê ăn Tết, 5.000 hộ vui Tết cùng TP; chăm lo cho 3.000 đoàn viên công đoàn khó khăn… với tổng kinh phí 140 tỷ đồng.

Tặng 30.000 vé, chăm lo cho hàng ngàn người dân… nghe thì có vẻ rất lớn. Nhưng với thành phố 9 triệu dân thì chỉ như muối bỏ bể. Chỉ riêng số công nhân ở thành phố này đã hàng triệu người, kinh tế khó khăn, công nhân đều nghèo như nhau, không rõ Liên đoàn Lao động TP cho ai, bỏ ai?

Bài viết của trang VOA Tiếng Việt

Bác Minh, một bác xe ôm truyền thống có thâm niên 37 năm chạy xe ở khu vực chợ Bến Thành Sài Gòn, cho phóng viên của đài SBTN biết, năm nay, lượng du khách cả quốc tế và nội địa giảm sút còn thua cả thời gian dịch dù đã gần Tết. Mọi năm, những chiếc taxi đón khách quanh chợ không mấy khi có thời gian đậu xe trống, mà nay, xe đậu cả hàng dài bên hông chợ mà không có mấy khách. Bản thân bác có ngày chỉ chạy được một cuốc 20 ngàn, trong khi trong dịch, bác còn có thể chạy một ngày 3-400 ngàn. Và cũng không có ai hỗ trợ bác đồng nào trong dịp Tết này.

Ngày 13/1, trang VOA Tiếng Việt có bài “Tết khó khăn, nhiều gia đình gồng mình với các khoản chi”.

Bài báo dẫn lời chị Đỗ Thị Lan, một người buôn bán nhỏ ở quận Ba Đình, cho biết:

“Mọi năm thì mình còn bán bưởi, bán bòng, bán ít đồ Tết. Nhưng mà năm nay đến giờ này cũng đã có ai mua bán cái gì đâu. Hàng tạp hoá vẫn im lìm. Chả biết bao giờ thì dân có tiền để mà đi mua bán thì mình cũng không biết. Cái chị bán bưởi hàng năm nhắn tin là năm nay có bán bưởi không em, mà mình còn không dám trả lời. Dân người ta có tiền mà mua đâu. Kể ra công nhân người ta còn làm việc, người ta còn có lương thì người ta còn dư dả ,và cuối năm họ còn nghĩ đến chuyện mua sắm. Chứ bây giờ trong Nam thì cho nghỉ sớm mấy nghìn công nhân trong khi ngoài Bắc này thì cũng cho nghỉ nhiều mà”.

Một bài báo đưa tin “Kinh tế khó khiến thị trường Tết trầm lắng”

Chị Lan cho biết thêm, năm nay việc biếu Tết cho thầy cô của hai đứa nhỏ chị đành phải cắt hết, vì thật sự không còn tiền đâu để chi nữa. Suốt gần ba năm đại dịch, việc buôn bán của chị gần như ngưng trệ hoàn toàn, tất cả tiền tiết kiệm đều đã đem ra để duy trì cuộc sống gia đình mà còn không đủ. Từ khi mở cửa trở lại, buôn bán cũng không được gì mấy.

Bình luận bên dưới này báo, nick Ông già SaiGon nêu thắc mắc: “VN vừa công bố GDP lên đến 8.2 % cao nhất khu vực. VN đã thành một nước giàu mà sao dân vẫn còn nghèo ? Hay giàu sang chỉ ở khu vực quan chức, cán bộ đảng?”

Trên thực tế, mọi năm vào thời điểm này đã thấy rộn ràng không khí Tết, đường phố, chợ, hàng quán… đâu đâu cùng tràn ngập hàng hóa, hội chợ, siêu thị đồng nghìn nghịt. Nhưng năm nay, quanh Sài Gòn vẫn không thấy có chút gì không khí Tết.

Cửa hàng, cửa hiệu không có nhiều hàng hóa, thậm chí, rất nhiều nhà mặt tiền đóng cửa. Nhiều nhà treo biển cho thuê suốt cả năm nay, đến gần Tết thấy vẫn còn nguyên. Những khu vực trung tâm vẫn chỉ sinh hoạt ở mức như ngày thường, không hề có sự rộn ràng nên có.

 

Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)