Ngày 25/1, tức mùng 4 Tết, trang Thông Tin Chính Phủ có tung ra bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh: Vững niềm tin, giàu khát vọng, sẵn sàng bứt phá năm 2023”. Bài viết xoay quanh cuộc nói chuyện đầu năm của ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM. Đầu năm, ông Phan Văn Mãi “chém gió” rằng, năm 2022, một năm nỗ lực vượt khó, “lấy lại những gì đã mất” của đầu tàu kinh tế và những kỳ vọng, định hướng, khát vọng, ý chí vươn lên, với tâm thế đưa thành phố bứt phá trong năm tới.
Thực ra không ai nghi ngờ gì về vị trí đầu tàu kinh tế Việt Nam của thành phố này. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu đang bị suy yếu dần, đó là thực tế chứ không phải là dự báo nữa. Sài Gòn là con bò sữa, là nơi mà Trung ương lấy phần lớn nguồn thu ngân sách để nuôi các tỉnh nghèo, nhưng thích xây tượng đài nghìn tỷ và cổng chào trăm tỷ.
Vào ngày 16/1 vừa qua, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ông võ Văn Thưởng đã thừa nhận: “10 năm qua, vai trò đầu tàu, động lực vùng của TP. HCM sụt giảm rất rõ, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế thấp. Là cán bộ trưởng thành từ TP. HCM, nghiêm khắc nhìn nhận tôi thấy rất đau”.
Câu chuyện về con bò sữa Sài Gòn là câu chuyện không mới. Thoibao.de đã có nhiều bài phân tích về tình trạng bất công cả về đóng góp kinh tế lẫn quyền lợi chính trị của thành phố này. Thành phố đóng góp cho Trung ương nhiều nhất, đến 80% tổng thu ngân sách. Thành phố mang về lượng kiều hối lớn nhất nước, chiếm 50% lượng kiều hối cả nước, nhưng quan chức gốc thành phố này bị đì với bất cứ giá nào, không cho họ ngồi lên những vị trí cao nhất của thành phố. Ba vị trí quan trọng nhất trong bộ máy chính quyền thành phố là: Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, đều là người tỉnh khác nắm. Người gốc Sài Gòn không được chạm vào.
Ông Phan Văn Mãi là người Bến Tre, ông Mãi mượn TP. HCM để tiến ra Trung ương, chứ ông làm gì tâm huyết với thành phố này? Phần lớn sự nghiệp chính trị của ông gắn với Bến Tre, năm 2021 ông mới được điều từ Bến Tre lên TP. HCM thay cho ông Nguyễn Thành Phong. Theo một nhận xét từ một bạn đọc của Thoibao.de đang làm trong bộ máy chính quyền thành phố, thì ông Phan Văn Mãi chỉ dùng thành phố này như là bàn đạp chính trị. Ông ta không có tâm huyết với thành phố.
Trung ương có tư duy phân biệt vùng miền rất nặng nề, đó là chèn ép nhân sự gốc TP. HCM, đó là phân bổ nguồn năng lượng xăng dầu cho cả nước. Khi nguồn xăng dầu thiếu hụt, ông Nguyễn Hồng Diên đã ưu tiên cho miền Bắc và dồn hết sự thiếu thốn cho miền Nam. Đó là thực tế đã và đang diễn ra.
Những ngày trước Tết, An Giang thiếu hụt xăng dầu, đến mùng 3 Tết thì TP. HCM đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu hụt xăng dầu. Trong lúc có tin vui TP. HCM mang về cho Việt Nam 6,6 tỷ đô la kiều hối, thì cũng chính lúc đấy, thành phố này lâm vào cảnh thiếu xăng dầu ở một số nơi.
An ninh năng lượng là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với một đất nước. Ông Nguyễn Hồng Diên một người Thái Bình, đã để xảy ra nguy cơ mất an ninh năng lượng, đe dọa thành phố trong những ngày qua. Mà khi mất an ninh năng lượng thì thành phố phát triển thế nào được đây?
Tuy ông Phan Văn Mãi là người triển khai chính sách phát triển kinh tế cho thành phố, nhưng ông Nguyễn Hồng Diên mới là người nắm trong tay sợi dây thòng lọng. Ông Diên cho thành phố này thiếu hụt xăng dầu thì ông Phan Văn Mãi bứt phá thế nào được đây?
Có thể nói, ông Phan Văn Mãi muốn chém gió về mục tiêu bứt phá cho TP. HCM thì ông nên xin phép ông Nguyễn Hồng Diên mới đúng. Ông xin ông Diên đừng dồn phần thiếu năng lượng cho TP. HCM.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)