2,75 tỷ đô la “chôn trong đất”, ông Vượng làm sao kéo ra cho VinFast đốt?

Mới đầu năm Quý Mão mà tin tức kinh tế đều đổ dồn về phía ông Phạm Nhật Vượng. Năm 2022, Vinhomes đã tồn kho một lượng hàng lớn không thể đẩy hàng thu tiền, ông Phạm Nhật Vượng đã lập nên Công ty VMI để giải quyết. Ông Vượng tính rất cao cờ khi ông chia nhỏ căn nhà ra thành những phần nhỏ có giá trị 39 triệu đồng để nhà đầu tư mua. Ông Vượng được tiền mà không cần phải giao nhà. Thậm chí ông Vượng còn muốn bán cả nhà trên giấy (tức là bất động sản hình thành trong tương lai). Cách làm có vẻ thuận lợi thì ông vấp phải phản ứng xã hội.

Vinhomes tồn kho tương đương 2,75 tỷ đô la

Ông Phạm Nhật Vượng lập Công ty VMI với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng nhưng toàn là cổ phiếu của VinGroup. Mà cổ phiếu chỉ là tờ giấy nếu nó chưa chuyển sang tiền. Có người nói rằng, ông Vượng lại móc lấy tài sản của VinGroup lập nên VMI, như vậy thì có khác nào rút tiền từ công ty này thành lập công ty kia hay không? Thực ra ông Vượng lập ra là để cho nhà đầu tư an tâm, vì công ty có vốn điều lệ lớn mà an tâm đầu tư, chứ ông có bỏ vào đấy đồng nào đâu? VinGroup có nợ đến 285% so với vốn chủ sở hữu, thì số cổ phiếu kia nếu bán trả nợ thì liệu có còn không mà ông Vượng đem góp vốn lập VMI?

Từ khi lập VMI đến nay đã 4 tháng, xem ra VMI không thể giải quyết được lượng bất động sản đang tồn kho của Vinhomes thật. Ngày 31/12/2022, lượng bất động sản tồn kho của Vinhomes ở mức 65.816 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở bất động sản để bán đang xây dựng (chủ yếu bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển) ở dự án Vinhomes Grand Park, dự án Vinhomes Smart City, dự án Vinhomes Ocean Park, dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire, dự án Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown và các dự án khác.

Như vậy Vinhomes đang tồn kho đến 2,75 tỷ đô la. Đây là số tiền rất lớn, nếu không đẩy hàng đi thì tiền đâu cấp cho VinFast đốt? Từ khi làm ô tô cho tới nay, VinFast đã đốt đến 4,7 tỷ đô la và chưa dừng lại. Thực tế thì ông Vượng đã làm mọi cách để gọi vốn và đẩy hàng đi, nhưng tới nay công việc vẫn dẫm chân tại chỗ.

Nói về Công ty VMI của ông Phạm Nhật Vượng, Thoibao.de đã có nhiều bài phân tích về nó trong gần 4 tháng qua. Mục đích là đánh động những nhà đầu tư nhẹ dạ rót tiền vào Vinhomes mà chỉ nhận lại tờ giấy chứng nhận. Trong cuộc chơi này, nhà đầu tư đưa tiền cho ông Phạm Nhật Vượng rồi nhận lại tờ giấy, còn ông Vượng thì được tiền và giữ nhà để bán. Đây là canh bạc mà ông Phạm Nhật Vượng đã đẩy hết mọi rủi ro cho nhà đầu tư. Đã 4 tháng ông Phạm Nhật Vượng không giải quyết xong khối hàng tồn kho của Vinhomes, thì điều đó cho thấy nhà đầu tư đã thông minh hơn nhiều.

Tình hình kinh tế năm 2022 theo con số thống kê là tăng trưởng 8,02%, nhưng thực chất là đời sống người dân khó khăn hơn. Thêm nữa là an ninh năng lượng không đảm bảo, nên người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là nền kinh tế thiếu tiền, cạn room tín dụng, nên thị trường bất động sản ảm đạm là điều đương nhiên. Dân không tiền thì lấy đâu ra tiền họ mua nhà?

Bài toán kinh tế vĩ mô năm 2023 cũng đang đặt ra cho ông Phạm Minh Chính một thách thức rất lớn. Cộng thêm là chính trường đang đấu đá khốc liệt, trong tình thế đó, ông Phạm Minh Chính khó mà vực dậy nền kinh tế Việt Nam. Đáng nói là, hiện nay ông Phạm Minh Chính đang giữ ông Nguyễn Hồng Diên, bất chấp ông này đã bao phen làm cho nền kinh tế chao đảo vì thiếu năng lượng.

Sức khỏe của VinGroup không thể tốt nếu sức khỏe nền kinh tế Việt Nam không tốt. Cho nên, năm nay ông Phạm Nhật Vượng làm sao đẩy hàng tồn kho đã là thành công lớn rồi.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://soha.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-thanh-lap-cong-ty-quan-ly-dau-tu-bds-gop-von-tuong-duong-2435-ty-2022100611085848.htm

https://cafebiz.vn/gan-66000-ty-dong-hang-ton-kho-cua-vinhomes-dang-nam-o-nhung-du-an-nao-176230201094425164.chn